Giảm thuế đối với xăng dầu: Bao giờ cho đến tháng 10?

(ĐTTCO) - Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu vì đã thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Nhưng, phải đợi đến tháng 10 thì Quốc hội mới có thể xem xét.
Theo hai đơn vị này, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7-10%, con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu.
Hiện nay, giá xăng dầu vẫn biến động mạnh, các kỳ gần đây giá xăng giảm mạnh, cụ thể kỳ điều hành chiều 21-7 giá xăng giảm thêm từ từ 2.715 - 3.605 đồng/lít. Nhưng thực tế việc kết thúc chu kỳ tăng giá xăng dầu hay chưa vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù thời gian qua, nhiều biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đã giúp kiềm chế giá xăng dầu trong nước.
Trước đó, tại Văn bản số 3489/BCT-TTTN ngày 22/6/2022, Bộ Công Thương cho rằng, xăng là mặt hàng chiếm tỷ trọng khoảng 37-40% trong tổng số lượng tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu trên cả nước nên không phải là mặt hàng có lượng tiêu dùng nhỏ (chỉ sau dầu diesel). 
Mặt khác, xăng lại là mặt hàng có số lượng đối tượng bị tác động lớn nhất do hầu hết người dân đều sử dụng xăng để đi lại (dùng cho xe máy và ô tô, đây là các loại phương tiện đang sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay).
Giảm thuế đối với xăng dầu: Bao giờ cho đến tháng 10? ảnh 1 Dư luận cho rằng việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu, bớt gánh nặng chi phí cho sản xuất là việc cần làm ngay. Do đó cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện chứ không thể đợi đến tận tháng 10 năm nay khi Quốc hội họp mới xem xét.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cân nhắc xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân.
Khi đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cũng giải thích vẫn phải thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng do tiêu dùng xăng dầu ảnh hưởng đến môi trường. Bộ Công Thương cho rằng điều này là chưa phù hợp do nội dung này đã được xử lý trong việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu (chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít trong mức giá xăng hiện nay) nên việc điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.
Từ những lý do trên, Bộ Công Thương cho rằng, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết và cần sớm thực hiện rà soát, trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của việc giảm giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Đồng quan điểm này, VCCI cũng có ý kiến tương tự. VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Nhưng vấn đề này lại thuộc thẩm quyền Quốc hội nên chưa thể giảm ngay. Dự kiến kỳ họp gần nhất là vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay.
 Giá xăng dầu giảm nhưng vẫn chưa đủ giảm gánh nặng chi phí 
Từ 15 giờ ngày 21-7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu, theo đó, xăng E5RON92 giảm 2.710 đồng/lít, xăng RON95 giảm 3.600 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã giảm về mức hơn 25.000 đồng một lít, đây là mức giảm rất mạnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá, mức giá xăng dầu sau điều chỉnh nói trên vẫn cao. Chỉ khi giá xăng dầu vào khoảng 22.000 đồng/lít thì doanh nghiệp mới chịu đựng được, sức sống mới trở lại. Dư luận cũng cho rằng đây là lúc cần ưu tiên hồi phục kinh tế sau thời gian dài bị “đóng băng” do đại dịch Covid-19 nên không thể nhìn vào hụt thu ngân sách mấy chục nghìn tỷ đồng mà không giảm các sắc thuế đối với xăng dầu. 

Các tin khác