Đây là những vấn đề được Bộ Y tế đặt ra tại hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác điều trị Covid-19 với 700 điểm cầu trong cả nước diễn ra ngày 11-4.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh TTXVN
Đề cập tới quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, cho biết, dù bệnh Covid-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng quá trình điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam có nhiều kết quả khả quan do ngành y tế liên tục cập nhật, sửa đổi phác đồ điều trị cho phù hợp.
Những loại thuốc mà các nước phát triển thử nghiệm để hỗ trợ điều trị Covid-19 đều đã được Bộ Y tế dự trữ đủ, đáp ứng từ 430.000 liều đến 10 triệu liều khi cần sử dụng. Đồng thời, Việt Nam cũng đã hạn chế xuất khẩu những loại dược phẩm liên quan đến điều trị Covid-19 nhằm đề phòng những tình huống xấu xảy ra.
Nhắc lại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp, có sự lây nhiễm trong cộng đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị người dân, cộng đồng xã hội cần phải hợp tác thực hiện nghiêm túc việc cách ly, giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Giãn cách xã hội, cách ly, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là “vaccine” trong phòng dịch Covid-19 hiệu quả nhất và hiện không có biện pháp nào tốt hơn.
Tại Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, chúng ta điều trị thành công là nhờ cách ly. Chúng ta phải lên kịch bản cách ly phòng bệnh, cách ly khoa phòng ra sao, nhân viên y tế thì như thế nào. Cần phải có kịch bản cho tình huống khi dịch bệnh lan rộng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ.
Trong khi đó, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, số người mắc Covid-19 được điều trị khỏi chiếm hơn 50% và chưa có bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng người mắc, không chỉ tập trung ở người cao tuổi mà bao gồm nhiều lứa tuổi kể cả trẻ em, thanh thiếu niên.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng và không rõ nguồn lây nhiễm nên không được phép có tâm lý chủ quan khi cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội. Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, từ đầu dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam đã 3 lần thay đổi phác đồ điều trị và vẫn tiếp tục cập nhật đưa vào phác đồ những loại thuốc mới như: thuốc sốt rét, thuốc điều trị HIV và thuốc Intermertin.
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã hướng dẫn các cơ sở y tế tuyến dưới về các biện pháp phòng ngừa, phân luồng, cách ly khi có trường hợp mắc và nghi nhiễm, đặc biệt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phải được chú trọng nhằm phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở y tế, cũng như đội ngũ y, bác sĩ.
Thông tin về bệnh nhân thứ 91 (là phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy, sức khỏe của ca bệnh này vẫn trong tình trạng rất nặng, tổn thương đa tạng, nhiễm trùng, xuất hiện suy tim phải. Bệnh nhân viêm phổi nặng, lọc máu ngày thứ 4, hiện tượng tăng đông diễn ra nặng nên phải thay 4 lần quả lọc máu, ECMO sang ngày thứ 4. Qua xét nghiệm PCR dịch phết mũi họng của bệnh nhân cho kết quả dương tính virus SARS-CoV-2 yếu (gần ngưỡng âm), nghĩa là tải lượng virus SASR-CoV-2 của bệnh nhân giảm. |