Giãn dân các đô thị lớn nhìn từ các nước

(ĐTTCO) - Bắt đầu từ tháng 4-2023, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho những người có nguyện vọng rời Tokyo về các vùng nông thôn và thị trấn nhỏ. Việc này nhằm giảm áp lực dân số đang đè nặng lên 23 quận trung tâm Tokyo, nhất là các quận có sức nén cao như Saitama, Chiba và Kanagawa.
Dù đầu tư cơ sở hạ tầng tốt nhất nhưng Tokyo vẫn không chịu nổi áp lực dân số tăng.
Dù đầu tư cơ sở hạ tầng tốt nhất nhưng Tokyo vẫn không chịu nổi áp lực dân số tăng.

Tokyo là đô thị lớn nhất thế giới với 35 triệu dân sinh sống, chiếm gần 30% dân số quốc gia. Dù được đầu tư tốt nhất và chất lượng nhất, nhưng từ năm 2000, Tokyo đã rơi vào tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Người Nhật từ năm 1985 đã di chuyển về các TP lớn để tìm kiếm cơ hội phát triển, khiến nhiều làng mạc trở nên vắng vẻ chỉ còn người già, nông nghiệp không có nhân lực nên sút giảm năng suất và sản lượng.

Nhiều thị trấn và làng mạc ở nông thôn trở nên hoang sơ, các doanh nghiệp thiếu khách hàng và nhân viên. Hàng ngàn làng mạc, thị trấn vắng dân khiến số nhà trống ở Nhật Bản dự kiến khoảng 10 triệu căn vào năm 2023.

Hiện nay ở Tokyo có mức chi phí cho thuê nhà, mua lương thực thực phẩm và các dịch vụ giữ trẻ, học hành rất đắt đỏ, kéo theo tâm lý ngại kết hôn và sinh con của nhiều người. Theo dữ liệu của chính phủ, dân số của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã giảm kỷ lục 644.000 người trong năm 2020 và 2021, dự kiến giảm từ 125 triệu hiện nay xuống còn 88 triệu vào năm 2065, tức giảm 30%.

Trong khi đó, số người trên 65 tuổi tiếp tục tăng và tỷ lệ sinh vẫn thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để duy trì quy mô dân số hiện tại. Tokyo hiện có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản. Nếu chính sách giãn dân thành công đồng nghĩa dân số sẽ tăng trở lại. Bởi khi đó, các gia đình trẻ không còn lo lắng đến chuyện nên hay không nên sinh con ở những nơi có điều kiện sống tốt hơn.

Do vậy, Nhật Bản áp dụng mọi giải pháp để giãn dân ra khỏi các TP lớn, chuyển họ về nông thôn và giữ thanh niên mới lớn ở lại các vùng xa trung tâm. Trước đó, Nhật Bản đã chuyển một số khu công nghiệp, trường đại học và dạy nghề ra khỏi khu vực có dân số cao ở Tokyo, Osaka, Kyoto, Nagoya. Do hiệu quả đạt được còn hạn chế, chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình rời Tokyo.

Theo đó, các gia đình sẽ được cung cấp 1 triệu Yen cho mỗi trẻ em (thành viên dưới 18 tuổi). Gia đình có 2 con dưới 18 tuổi rời Tokyo và mở doanh nghiệp tại nơi cư trú mới, sẽ nhận hỗ trợ lên đến 5 triệu Yen (khoảng 900 triệu VNĐ). Hưởng ứng chính sách này, hiện có khoảng 1.300 làng và thị trấn đã đăng ký tiếp nhận những người muốn rời khỏi Tokyo.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nỗ lực giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ khi sinh nở, chăm sóc con, học phí và nhà ở, nhằm thúc đẩy họ sinh con.

Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia, vùng miền áp dụng chính sách hỗ trợ tiền, như Thụy Sĩ, Australia, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, một số bang của Mỹ, nhằm khuyến khích người dân rời khỏi các TP lớn. Chẳng hạn, vùng Albinen của Thụy Sĩ hứa trả 25.400USD cho bất cứ ai đến sinh sống ít nhất 10 năm. Hay TP Santo Stefano di Sessanio của Italia, tặng 8.500USD mỗi năm và nhiều ưu đãi khác cho ai đến đây ở trong 5 năm.

Ở Đông Nam Á, Philippines có chính sách giãn dân ra khỏi vùng Metro Manila có tên là “Back to the Province” (trở về các tỉnh). Theo đó, mỗi gia đình đồng ý rời Manila sẽ nhận được 110.000 Peso tiền mặt (tương đương 2.173USD) và kèm theo các sản phẩm. Sau 2 năm triển khai (từ năm 2020) Philippines đã thu hút được 60.000 người tham gia chương trình này.

Trong dịp thăm đồn biên phòng Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, tôi được biết mỗi gia đình phía bên Trung Quốc được chính phủ hỗ trợ không hoàn lại số tiền khoảng 500 triệu nhân dân tệ để làm nhà, sản xuất, chăn nuôi.

Và TPHCM là nỗi ám ảnh kẹt xe vì quá tải cơ sở hạ tầng.

Và TPHCM là nỗi ám ảnh kẹt xe vì quá tải cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM đã có dấu hiệu quá tải ở các quận trung tâm. Hà Nội rộng 3.400km2, nhưng do cách thức phát triển nên dân số nén quá cao ở các quận cũ như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và các quận đô thị hóa mới.

Tương tự, hơn 70% dân số của TPHCM nén vào các quận trung tâm 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Thậm chí có những quận dân số còn cao hơn 1 huyện trung bình. Do vậy, bài toán phân bổ lại dân số và dịch chuyển dân về các tỉnh đã đặt ra từ lâu, nhưng cho đến nay chưa có giải pháp nào được thực thi rốt ráo và mang lại hiệu quả.

Cho đến nay, ở Việt Nam chắc chắn không có phương án hỗ trợ về tiền hay nhà đất, vì tài chính của chính phủ eo hẹp. Thực tế, đã có những cơ hội may mắn cho việc giãn dân với quy mô lớn mà không tốn kém. Trong đó phải kể đến hàng triệu người lao động rời TPHCM trở về quê trong cơn đại dịch Covid-19 vừa qua. Nhưng rất tiếc, sau dịch chúng ta đã không có chính sách hỗ trợ và tạo sinh kế tại các địa phương, nên đa phần bà con lại quay lại TPHCM.

Trong vài năm gần đây các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, ĐBSCL, cũng như các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc, xuất hiện các khu công nghiệp, nhà máy đã hút được một số người trở lại quê và giữ được thanh niên sau khi học xong trung học phổ thông ở lại theo kiểu “ly nông bất ly hương”. Song cũng rất tiếc số lượng chưa nhiều và còn tự phát.

Vì thế, hiện đã có nhiều tỉnh xuất hiện những “làng rỗng”. Thời gian tới đây có thể sau năm 2030, số người lao động phổ thông ở TPHCM sẽ giảm nếu TP thực hiện thành công việc tái cấu trúc các khu công nghiệp theo hướng giảm phát triển theo chiều rộng, tăng chiều sâu; giảm các loại hình sản xuất sử dụng quỹ đất lớn, thâm dụng lao động, gia tăng các hình thức sản xuất chất lượng cao sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến… Khi đó nhân lực lao động phổ thông không thể trụ lại được ở các TP lớn.

Đã đến lúc Chính phủ cần xây dựng một chiến lược phân bổ lại dân số trên phạm vi quốc gia. Không nên để người dân dồn cả vào các TP lớn sẽ tạo ra sự mất cân đối trầm trọng, rồi đến lúc lại phải làm như Nhật Bản dùng tiền để hút người dân về nông thôn.

Các tin khác