Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng đã tăng 12% từ ngày 25/3 tới 1/4, vượt 5% so với mức tiêu chuẩn của ngành và hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2013, theo dữ liệu của Reuters.
Giá gạo tăng do kỳ vọng về nhu cầu nhập khẩu gạo Thái Lan tăng cao do các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu như Ấn Độ và Việt Nam đang đối mặt với việc gián đoạn xuất khẩu sản phẩm chủ lực do ảnh hưởng từ sự bùng phát Covid-19. Châu Á chiếm 90% nguồn cung gạo cho thế giới và cũng tiêu thụ với sản lượng tương đương.
Tại Ấn Độ, các thương gia mua bán gạo đã ngưng ký hợp đồng xuất khẩu mới do tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn về mặt vận chuyển, điều này cũng đang cản trở việc thực hiện các hợp đồng đã kí trước đó. Trong khi đó, Việt Nam cũng xem xét lại kế hoạch xuất khẩu gạo.
Trước khi tăng đột biến trong tháng 3, giá gạo đã bắt đầu tăng vào cuối năm 2019 do hạn hán khắc nghiệt ở Thái Lan và nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh ở châu Á và châu Phi. Thái Lan là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và trước Việt Nam.
Theo Samarendu Mohanty, Giám đốc khu vực châu Á tại Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP) có trụ sở tại Peru - một tổ chức phi lợi nhuận về nghiên cứu an toàn thực phẩm: Việc tăng giá bất chấp những kỳ vọng sản xuất mạnh mẽ trong vụ mùa năm nay, dự trữ gạo và lúa mì đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã đảm bảo rằng trữ lượng gạo rất dồi dào, nhưng hiện tại vẫn đang đối mặt với những khó khăn về thiếu hụt lao động trong bối cảnh virus bùng phát, những người lao động Campuchia trở về nhà và bị cản trở quay lại bởi vấn đề phong tỏa đất nước.
Điều đó có thể làm cho các hoạt động canh tác theo mùa vụ trở nên khó khăn và khó đạt được sản lượng cao trong tương lai. Không giống các ngành khác, nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thời điểm phong tỏa thay vì bị phong tỏa bao lâu do thời gian trồng và thu hoạch rất nghiêm ngặt.
"Nếu mùa trồng lúa bị bỏ lỡ, sẽ không có vụ mùa khác bù đắp trong năm", ông Samarendu Mohanty nói và cho biết thêm: "Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng cho vụ mùa vào mùa xuân. Nếu họ bỏ lỡ thời gian này, sẽ không có vụ mùa nào trong cả năm".
Ở Ấn Độ và các quốc gia Nam Á khác, hiện tại là thời điểm thu hoạch cho các vụ mùa đông như lúa mì, khoai tây, bông, một số loại rau quả và trái cây. Những người nông dân cần các lao động nhập cư để vận hành máy móc và thực hiện các công việc thủ công khác như bốc dỡ sản phẩm.
Theo Hội đồng ngũ cốc quốc tế, mặc dù việc nhập khẩu hàng hóa đã tăng tốc trong những tuần gần đây, thách thức về mặt hậu cần đang gặp phải là việc hạn chế di chuyển cùng với các biện pháp kiểm dịch đang trở nên phổ biến.
Giá lúa mì cũng tăng
Không chỉ giá gạo tăng, giá lúa mì cũng tăng, đây là một loại ngũ cốc chính được sử dụng để làm mì ống và bánh mì cũng đã tăng gần đây.
Giá lúa mì tương lai ở sàn giao dịch Chicago cũng bắt đầu tăng từ giữa tháng 3/2020. Mức tăng ghi nhận khoảng 15% do sự hoang mang và lo ngại nguồn cung khi việc phong tỏa được thực hiện ở Bắc Mỹ và châu Âu
Theo nhận định của Fitch Solutions, giá gạo và lúa mì sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tuần tới. Nguồn cung hiện đang bị thắt chặt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động thương mại, vận chuyển xuyên biên giới gặp khó khăn, cũng như hậu quả của thời tiết xấu ở các nơi sản xuất chính như hạn hán nghiêm trọng ở Đông Nam Á và Úc sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất, cũng như đảm bảo nguồn cung ứng.
Mặc dù giá gạo và giá lúa mì đang ở mức thấp so với mức trung bình trong lịch sử, nhưng giá vẫn đang cao hơn đáng kể trong năm. Điều này ngụ ý lạm phát giá lương thực sẽ còn tăng tốc trong năm 2020, sau khi bắt đầu tăng từ năm 2019 do bùng phát dịch tả lợn ở châu Phi dẫn đến giá thịt heo tăng đột biến.
Hiệp hội và Tổ chức công nghiệp thực phẩm đang kêu gọi các quốc gia tiếp tục mở cửa cho hoạt động giao thương. Ông Samarendu Mohanty cho biết, Hiệp hội không thể đổ lỗi cho các quốc gia về việc đảm bảo nguồn lương thực trong nước trong thời gian thử thách này, nhưng các quốc gia cần hết sức cẩn thận trong việc đưa ra những chính sách không cần thiết, có thể tạo ra tâm lý hoảng loạn.
"Các quốc gia nên biết rằng ngũ cốc dự trữ trong kho có thể nuôi sống thế giới trong 4 tháng nhưng nó sẽ trở nên vô dụng nếu các quốc gia sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại, điều này sẽ ảnh hưởng tới việc vận chuyển và có thể dẫn tới có nơi thiếu lương thực", ông Samarendu Mohanty nhấn mạnh.