Nhiều dư địa
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước năm 2030 lên đến 130.000MW, so với 47.000MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000MW nguồn điện mới sẽ được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cũng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng NLTT, cho thấy đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000MW thủy điện nhỏ, 20.000MW điện gió, 3.000MW điện sinh khối, 35.000MW điện mặt trời.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9-2015, cũng đã đưa ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050.
Như vậy, về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050. Song song đó, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi khác cho nhà đầu tư, như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu… Vì thế, trong thời gian qua, Việt Nam được cho là thị trường tương đối hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lĩnh vực phát triển NLTT.
Tiềm năng điện gió tại Việt Nam rất cao.
Về năng lượng điện gió, theo Bộ Công Thương, hiện nay đã có 14 tỉnh được quy hoạch phát triển điện gió gồm Thái Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn 12 tỉnh đang chờ bổ sung quy hoạch điện gió. Điện gió được đánh giá nhiều triển vọng hơn cả, bởi theo dự thảo Quy hoạch phát triển NLTT quốc gia (Viện Năng lượng), tiềm năng điện gió trên lý thuyết của Việt Nam 92,97GW, tiềm năng kỹ thuật là 49,2GW, tiềm năng kinh tế là 7,4GW.
Bên cạnh điện gió, hiện cả nước có hơn 500 dự án điện mặt trời đang chờ thực hiện. Trước đó, tính đến hết năm 2018, cả nước đã có khoảng 10.000MW nằm trong các dự án điện mặt trời được đăng ký. Trong đó có 8.100MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86MW. Như vậy, theo đánh giá, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển NLTT, bổ sung vào phần thiếu hụt của năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện) khi không thể đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.
Nhưng vẫn khó
Nhưng vẫn khó
Để khai thác tiềm năng của NLTT, theo các chuyên gia, chi phí đầu tư cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng được công suất, tính rủi ro cao… đang là những trở ngại đối với phát triển NLTT tại Việt Nam. Điển hình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gặp không ít khó khăn trong thúc đẩy phát triển điện mặt trời. Cụ thể, EVN chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng, do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng.
Bên cạnh đó, giá thành lắp đặt 1kWp điện mặt trời cao hơn chi phí lắp đặt điện truyền thống (ước tính, điện mặt trời cần chi phí khoảng 1.000USD/kWp), trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án điện mặt trời và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hàng. Chưa kể hiện nay Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, invester để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, vốn đầu tư lớn và chi phí đắt đỏ mới là trở ngại lớn. Trên thế giới, ước tính bình quân trong vòng 10 năm qua, tuy giá điện mặt trời đã giảm 15,5%/năm và điện gió giảm 13%/năm, nhưng sự giảm này cũng khó cạnh tranh với mức giá của nhiệt điện than hay thủy điện.
Thực tế, giá thành chưa bao giờ là lợi thế của NLTT khi sản xuất ở mức cao và quy mô lớn cần phải mua sắm thiết bị công nghệ phức tạp để lưu trữ điện. Đơn cử, với giá năng lượng mặt trời 46-53USD cho 1MWh, nhưng do cần lắp đặt thêm pin và bộ chuyển đổi ngược điện thế, cùng với hệ thống lưu trữ kéo dài 10 giờ, đã làm tăng chi phí lên đến 82USD. Trong khi đó, điện năng thu được từ việc đốt than hoặc khí tự nhiên 60USD và 68USD cho 1MWh tương ứng. Như vậy, chi phí lưu trữ năng lượng mặt trời có thể lên đến 250USD/MWh. Mức giá này ở Việt Nam sẽ rất khó thuyết phục được người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia vẫn hy vọng, NLTT được ứng dụng rộng rãi, chi phí của công nghệ sẽ giảm. Cụ thể, giá các công nghệ lưu trữ NLTT, từ bình tích điện đến bể chứa nước sẽ giảm nhờ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến hơn. Sự kỳ vọng này dựa trên cơ sở tại các thành phố lớn trên thế giới đang triển khai nhiều hệ thống lưu trữ năng lượng.
Ước tính, đến năm 2025, hệ thống lưu trữ NLTT trên thế giới sẽ đạt giá trị khoảng 80 tỷ USD. Nhưng đó là viễn cảnh của tương lai. Còn thực tế hiện nay công nghệ lưu trữ NLTT vẫn đắt đỏ. Điều này cản trở rất nhiều đến sự phát triển của lĩnh vực năng lượng sạch, kìm hãm lợi thế về giá, khi chi phí thực tế tính tổng thể đang cao gấp gần 5 lần so với điện truyền thống.