Đến nay, mới chỉ có Jetstar Pacific là hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động, trong khi nhu cầu thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực này rất lớn.
Việc Tập đoàn AirAsia International của Malaysia rút vốn khỏi hãng hàng không tư nhân VietJet Air được dư luận chú ý vì ngày dự kiến bay của VietJet Air không còn xa.
Ba lần đầu tư vẫn không thành
AirAsia là hãng hàng không giá rẻ của Malaysia, có trụ sở hoạt động tại Malaysia, Indonesia và Thái Lan với mạng bay khá rộng, đến khắp khu vực ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và Úc.
Máy bay của AirAsia tại sân bay quốc tế Nội Bài. |
AirAsia là một trong 3 ứng viên (cùng với Temasek của Singapore và Qantas - Úc) đặt vấn đề góp vốn vào Pacific Airlines tại thời điểm Chính phủ tái cơ cấu hãng hàng không Pacific Airlines năm 2005. Tuy nhiên, AirAsia không thành công vì không đáp ứng được điều kiện liên doanh góp vốn. Hãng này muốn góp vốn bằng giá trị máy bay trong khi Pacific Airlines cần tiền mặt để vực dậy hoạt động kinh doanh. Cuối cùng, nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần của Pacific Airlines là Qantas và đổi tên thành hãng hàng không Jetstar Pacific.
Đến năm 2007, AirAsia đã đạt được thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để thành lập hãng hàng không giá rẻ Vina AirAsia tại Việt Nam, với vốn góp khoảng 30 triệu USD, trong đó có 1/3 là tiền mặt. Song, dự án đầu tư này không triển khai được vì trong thời điểm đó, Chính phủ chưa có chủ trương cho thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài.
Đầu năm 2010, AirAsia thông báo đã mua 30% cổ phần của VietJet Air. Người chuyển nhượng cổ phần cho AirAsia là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cổ đông phổ thông nắm giữ 30% cổ phần của VietJet Air. Ông Võ Huy Cường, Trưởng Ban Vận tải Cục Hàng không Việt Nam, cho biết năm rồi, VietJet Air đã làm thủ tục cần thiết để thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và được Bộ GTVT sửa đổi giấy phép, thay tên cổ đông cũ, mới.
Nhưng việc đầu tư của AirAsia tại Việt Nam một lần nữa bất thành vì không đạt được mục đích khai thác các chuyến bay trong thị trường nội địa với tên thương mại VietJet AirAsia.
Hai ý kiến khác nhau
Chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hàng không được đặt ra từ khi Chính phủ quyết định tái cơ cấu hãng hàng không Pacific Airlines. Chủ trương đó trở thành hiện thực từ năm 2007, khi Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi) cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nắm cổ phần tối đa 49% của hãng hàng không Việt Nam, trong đó, tỷ lệ giới hạn (room) của một nhà đầu tư là 30%.
Bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù này đã tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược.
Hãng hàng không trong nước lo ngại hãng hàng không nước ngoài lợi dụng chủ trương này để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, trong khi hãng hàng không trong nước chưa mạnh. Sự lo xa này không phải là thiếu cơ sở vì trong thực tế, Jetstar Pacific từ khi “lột xác” đến nay triền miên thua lỗ, ở một vài thời điểm đã có nguy cơ không còn vốn hoạt động nhưng cổ đông nước ngoài Qantas vẫn quyết tâm tiếp tục đầu tư. Hãng hàng không này cũng có thời kỳ mất quyền kiểm soát hữu hiệu do nhân sự nước ngoài nắm giữ nhiều vị trí quan trọng.
Luồng ý kiến trái chiều lại kỳ vọng rằng sự góp mặt của nhà đầu tư ngoại mạnh về tiềm lực tài chính, vượt trội về quản trị, công nghệ sẽ tạo ra một sức cạnh tranh mới, thúc đẩy sự phát triển của thị trường hàng không trong nước. Kỳ vọng này chưa thành hiện thực vì đến nay, mới chỉ có Jetstar Pacific có vốn ngoại đi vào hoạt động. Hãng hàng không tư nhân Air Mekong sau khi bay được một năm cũng mong muốn bán 30% cổ phần cho Sky West (nhà khai thác máy bay của Mỹ) nhưng chưa được Chính phủ chấp thuận.
Còn nhiều rào cản Việc 3-4 lần trì hoãn bay của VietJet Air cùng với sự “đứt gánh giữa đường” của hãng hàng không do nhạc sĩ Hà Dũng làm tổng giám đốc (Indochina Airlines) cho thấy với thị trường hàng không chưa thực sự cạnh tranh như Việt Nam, chỉ nội lực của nhà đầu tư trong nước là chưa đủ sức để tạo ra đột phá. Mặc dù luật đã cho phép nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến vốn ngoại chưa được rót vào hiệu quả. Cả VietJet Air và Air Mekong đều cho rằng tìm vốn ngoại vào lĩnh vực hàng không hiện nay là việc khá gian nan. |