Làm thế nào để hồ sơ người dân không bị trễ hẹn, hồ sơ nhà đất có phải đổi lại sau khi thành lập TP Thủ Đức…? ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN-MT về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, lượng hồ sơ giao dịch nhà đất sẽ biến động ra sao sau khi thành lập TP Thủ Đức?
Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: - Theo thống kê qua các năm, lượng hồ sơ nhà, đất giao dịch tại các quận 2, 9 và Thủ Đức chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể, năm 2017 tổng hồ sơ này ở quận 2 là 19.540 hồ sơ, quận 9 là 49.037 hồ sơ và Thủ Đức 36.723 hồ sơ. Năm 2018 con số này ở quận 2 là 21.091 hồ sơ, quận 9 là 55.200 hồ sơ và Thủ Đức 35.336 hồ sơ. Năm 2019 quận 2 là 16.059 hồ sơ, quận 9 là 40.035 hồ sơ và Thủ Đức 26.267 hồ sơ. Năm 2020 quận 2 là 13.584 hồ sơ, quận 9 là 28.852 hồ sơ và Thủ Đức 20.805 hồ sơ.
Trong năm 2021, chúng tôi dự kiến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (CNVP ĐKĐĐ) TP Thủ Đức sẽ giải quyết khoảng 100.000 hồ sơ đăng ký nhà, đất chiếm khoảng 20% số lượng hồ sơ toàn TPHCM, trong đó có khoảng 40.000 hồ sơ giao dịch đảm bảo phải giải quyết trong vòng 24 giờ.
Do đó trong năm 2021 áp lực công việc sẽ rất lớn. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, lãnh đạo CNVP ĐKĐĐ cần có sự phân công, sắp xếp phù hợp, cử cán bộ túc trực để giải thích trực tiếp cho dân tại bộ phận một cửa, nhằm đảm bảo mục tiêu lớn nhất là phục vụ người dân được tốt hơn. Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM và CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức phải bắt tay ngay vào công việc, tiếp tục duy trì các thủ tục hành chính về đất đai, tránh gây ách tắc, phiền hà cho nhân dân, vận hành trơn tru và đảm bảo việc giải quyết hồ sơ, yêu cầu của người dân.
Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng báo cáo, đề xuất giải quyết. Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức sắp sếp bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin… để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, vừa đảm bảo thời gian cho người dân, doanh nghiệp vừa đúng quy định pháp luật.
- Cho đến nay việc thành lập tổ chức, sắp sếp CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức như thế nào, thưa ông?
- Sở TN-MT vừa tổ chức công bố quyết định của UBND TPHCM về việc thành lập CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức trực thuộc Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM (thuộc Sở TN-MT TP). CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp sếp, sáp nhập Văn phòng ĐKĐĐ các quận 2, 9 và Thủ Đức. Trụ sở CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức đặt tại số 1 đường Tagore, phường Bình Thọ. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ nộp hồ sơ tại các địa chỉ 45 đường Nguyễn Thanh Sơn, phường Thạnh Mỹ Lợi; 2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú và 46 đường Thống Nhất, phường Bình Thọ.
Về nhân sự, ông Lê Thành Phương, Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM được bổ nhiệm kiêm nhiệm Giám đốc CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức. Cùng với đó có 3 phó giám đốc được bổ nhiệm, gồm bà Lê Thị Kim Yến (Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ quận 9), ông Lê Xuân Tùng (Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ quận Thủ Đức) và bà Cao Thị Phương Linh (Phó Phòng đăng ký cấp giấy chứng nhận thuộc Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM). Sau khi thành lập CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức, toàn bộ 150 nhân sự đang làm việc tại 3 chi nhánh tại 3 quận trước đây sẽ được giữ nguyên khi về cơ quan mới.
Mục tiêu của việc sáp nhập này là để kiện toàn lại bộ máy, nhằm phục vụ người dân được tốt hơn. Đến thời điểm này, cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thiện. Công việc, nhiệm vụ mới với những yêu cầu cao hơn, tầm vóc lớn hơn nên từng cá nhân được giao nhiệm vụ phải nhanh chóng xây dựng chương trình hành động cho mình để phục vụ công việc lãnh đạo, điều hành. Song song đó, lãnh đạo CNVP ĐKĐĐ phải quan tâm động viên để cán bộ, công chức ổn định tư tưởng, tiếp tục làm việc, hòa mình vào nhiệm vụ chung của TP Thủ Đức, nỗ lực phấn đấu vì sự kỳ vọng của TPHCM và cả nước đối với TP Thủ Đức.
- Thưa ông, vấn đề người dân TP Thủ Đức quan tâm hiện nay là các giấy tờ nhà, đất có phải làm lại và hồ sơ của họ liệu có bị trễ hẹn do số lượng tăng lên khá nhiều như dự báo của Sở TN-MT?
- Hiện nay các giấy tờ nhà đất của người dân ghi địa chỉ cũ vẫn có giá trị. Trong trường hợp người dân muốn cập nhật theo tên gọi mới TP Thủ Đức, có thể liên hệ các địa chỉ trên để được giải quyết hoàn toàn miễn phí.
Theo dự báo của chúng tôi, thời gian tới hồ sơ giao dịch sẽ tăng nhiều trong những năm đầu, chủ yếu là hồ sơ giao dịch cập nhật biến động, giao dịch đảm bảo… Việc bổ nhiệm ông Lê Thành Phương, Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM kiêm nhiệm Giám đốc CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức là nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, thay vì CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức phải chuyển những hồ sơ thuộc thẩm quyền lên Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM để ký và đóng dấu, ông Phương thay mặt ký luôn để khỏi mất thời gian.
- Xin cảm ơn ông.
Sau khi thành lập CNVP ĐKĐĐ TP Thủ Đức, toàn bộ 150 nhân sự đang làm việc tại 3 chi nhánh tại 3 quận trước đây sẽ được giữ nguyên khi về cơ quan mới. |