Giao thông thông minh: Công nghệ đi đầu

(ĐTTCO) - Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là chủ trương mang tính đột phá để đưa thành phố phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của mình. 

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai phát triển hệ thống giao thông thông minh (một trong những hợp phần trọng yếu của Đề án đô thị thông minh), việc ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông đã đạt được những thành công nhất định. 

Xử lý giao thông qua công nghệ
Sự gia tăng “đột biến” của các loại phương tiện giao thông đã khiến đại lộ Võ Văn Kiệt rộng thênh thang với mười mấy làn xe đã và đang bị quá tải, đặc biệt đoạn từ hầm vượt sông Sài Gòn giữa quận 1 qua quận 2 và ngược lại. Theo số liệu của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, lưu lượng xe qua hầm từ năm 2012 đến 2019 tăng rất nhanh, từ 5 triệu lượt tăng vọt lên gần 19 triệu lượt. Dự báo, lượng phương tiện lưu thông qua hầm này còn tăng vì đại lộ Võ Văn Kiệt là tuyến đường chính vào trung tâm thành phố nhanh nhất ở khu vực phía Đông. Trong khi đó, khu vực phía Đông thành phố đang phát triển, xuất hiện nhiều khu dân cư tập trung lượng lớn cư dân sinh sống.
Giao thông thông minh: Công nghệ đi đầu ảnh 1 Vận hành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM
Ảnh: CAO THĂNG
Việc lưu thông qua đây thực sự là nỗi ám ảnh của người dân vào giờ cao điểm. Để giải thách thức này, đồng thời đảm bảo cho việc lưu thông qua hầm vượt sông Sài Gòn an toàn, nhiều giải pháp đã được đưa ra, như kéo giãn thời gian đèn tín hiệu các ngã tư gần đó, kết hợp với cảnh sát giao thông điều tiết xe tại làn ô tô… và đặc biệt, thành phố đã đầu tư, nâng cấp Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn lên thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP (TMC), không chỉ quản lý hầm sông Sài Gòn mà là toàn bộ đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và nhiều tuyến đường khu vực khác trên địa bàn thành phố. Trưởng ca điều hành TMC Đặng Minh Nam cho biết, TMC được đầu tư gắn 752 camera theo dõi 24/24 giờ tại hàng loạt điểm nóng giao thông. Tại đây luôn có khoảng 30 cán bộ nhân viên, chia làm 3 ca trực để theo dõi, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu, giám sát tình hình, lưu lượng giao thông, cung cấp thông tin giao thông cho người dân và hỗ trợ xử lý vi phạm.
Chia sẻ về quy trình hoạt động của TMC, Giám đốc TMC Đoàn Văn Tấn cho biết, từ camera giám sát, khi phát hiện sự cố giao thông như tai nạn giao thông, đông xe, sự cố hạ tầng kỹ thuật giao thông xảy ra trên đường, nhân viên trực sẽ liên lạc với cảnh sát giao thông tại địa bàn nơi xảy ra sự cố (thông qua số điện thoại nóng hoặc trên nhóm Viber của các tổ phản ứng nhanh) để phối hợp xử lý. Với một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trung tâm sẽ thông tin ngay đến công an phường, quận, cảnh sát phòng cháy chữa cháy để kịp đến hỗ trợ xử lý. “Hầu hết nhân viên làm việc tại đây đều có chuyên ngành kỹ thuật viễn thông và công nghệ thông tin. Anh em luôn phải “dán mắt” lên hệ thống camera để quan sát tình hình, kịp thời thông báo khi xảy ra các sự cố. Đơn cử, cuối năm 2019, một ô tô đâm vào dải phân cách của hầm vượt sông Sài Gòn nhưng tài xế đột ngột bỏ chạy khỏi hiện trường. Phát hiện biểu hiện đáng ngờ, nhân viên đã liên hệ ngay với lực lượng an ninh, công an phường để kiểm tra. Từ đó, lực lượng chức năng đã khám phá một vụ buôn lậu thuốc lá với quy mô lớn”, ông Đoàn Văn Tấn thông tin.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào vận hành giao thông 
Theo Sở GTVT TPHCM, phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một trong những hợp phần trọng yếu của Đề án đô thị thông minh. Đây được xem là giải pháp quan trọng trong giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn thành phố, bên cạnh các giải pháp cơ sở hạ tầng tốn kém hơn như phát triển giao thông công cộng sức chở lớn, đầu tư mạng lưới đường bộ... 
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, nhiệm vụ của TMC là giám sát và điều hành giao thông đô thị, đảm bảo hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố vận hành hiệu quả nhất. Xác định rõ mục tiêu này, từ năm 2016 đến nay, Sở GTVT TP đầu tư, nâng cấp camera CCTV, bảng thông tin giao thông điện tử VMS, hệ thống đèn tín hiệu giao thông kết nối về TMC. Đây là giai đoạn 1 của lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh của thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông tại khu vực trung tâm thành phố. TMC đang thực hiện 4 chức năng chính của hệ thống giao thông thông minh, gồm điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; giám sát, theo dõi tình hình giao thông; cung cấp thông tin giao thông trực tuyến; phối hợp xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Nhằm tối ưu hóa trong việc quản lý, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, từ năm 2019, TMC đưa vào vận hành mô hình mô phỏng dự báo tình hình giao thông trên toàn thành phố, nhằm phục vụ công tác triển khai xây dựng các dự án hạ tầng giao thông công cộng. Song song đó, Sở GTVT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành vận tải hành hành khách công cộng bằng xe buýt tập trung; triển khai cổng thông tin buyttphcm.com.vn, ứng dụng di động BusMap7, tổng đài 1022, đầu tư hệ thống thông tin hoạt động xe buýt thông qua bảng thông tin điện tử tuyến xe buýt trực tuyến tại 171 nhà chờ, trạm xe buýt... 
Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận xe buýt, Sở GTVT phối hợp với Công ty Zion, Ngân hàng VietBank triển khai lắp đặt hệ thống thanh toán tự động dành cho xe buýt. Đến nay, đã triển khai trên 13 tuyến với 162 phương tiện; đã phát hành 3.637 thẻ smartcard - thẻ đi xe buýt không trả tiền mặt. Ngoài ra, sở đang phối hợp cùng Lãnh sự quán Anh tại TPHCM triển khai Chương trình Thành phố tương lai toàn cầu, với mục tiêu xây dựng hoàn thiện khung tiêu chuẩn kỹ thuật về hệ thống vé thông minh cho giao thông công cộng tại thành phố, hành khách sử dụng một vé điện tử đi được tất cả các loại hình giao thông công cộng như xe buýt, BRT, metro…
Đề cập những giải pháp sẽ ứng dụng trong thời gian tới, ông Trần Quang Lâm nhận định, tương lai gần, trí tuệ nhân tạo (AI) là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị. Sở GTVT sẽ tập trung nghiên cứu để triển khai AI trên một số lĩnh vực.
Cụ thể: Ứng dụng AI trong công tác quản lý, điều hành giao thông trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông, thông qua việc thu thập đầy đủ các dữ kiện giao thông, phân tích các hành vi giao thông, dự báo các sự kiện giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp; ứng dụng AI trong việc nghiên cứu phát triển phương tiện không người lái; xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa phương tiện và phương tiện, phương tiện và cơ sở hạ tầng, phương tiện và trung tâm; ứng dụng AI trong việc tăng cường giám sát, phát hiện tự động các hành vi vi phạm giao thông trên đường thông qua việc thu thập, tổng hợp, phân tích các hành vi lưu thông đặc thù của người tham gia giao thông; ứng dụng AI trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông; thu thập thông tin, giám sát và phát hiện tự động các bất cập, hư hỏng hệ thống công trình giao thông xảy ra trong quá trình khai thác sử dụng.
Thực tiễn cho thấy việc triển khai xây dựng phát triển hệ thống giao thông thông minh phải tận dụng tối ưu công nghệ hiện đại; quá trình triển khai thực hiện phải phát huy khả năng dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai, từ đó lựa chọn, chuyển đổi và tích hợp giữa công nghệ hiện tại cũng như tương lai.
 Theo kết quả từ mô hình mô phỏng dự báo giao thông tại TMC, số hành trình đi lại trung bình của mỗi người dân thành phố năm 2020 là 3,16 chuyến đi/người/ngày. Với quy mô dân số tại thành phố như hiện nay, nhu cầu đi lại là rất lớn và sẽ tăng mạnh trong tương lai, theo dự báo từ mô hình mô phỏng thì đến năm 2025 sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày. Hơn nữa, còn có sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. 
Tính đến ngày 14-5-2020, TPHCM quản lý 8.120.624 phương tiện (trong đó, có 764.925 ô tô và 7.355.699 mô tô); bình quân mỗi ngày có 104 ô tô và 604 mô tô đăng ký mới, đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông đô thị, đặc biệt là trong những giờ cao điểm.

Các tin khác