Nhiều loại trái cây được châu Âu ưa chuộng
Ngày càng có nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Từ thanh long, chôm chôm, vú sữa, vải thiều… đến xoài, đã hiện diện ở nhiều nước. Bất chấp dịch Covid-19 đang tác động đến chuỗi cung ứng, mặt hàng rau quả của Việt Nam tiếp đà phục hồi xuất khẩu trong năm 2021, nhất là trái cây. Theo Bộ NN-PTNT, quý 1-2021, xuất khẩu rau quả đạt gần 950 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm ngoái, khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8, thì bước sang tháng 9-2020, Bến Tre đã xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên sang châu Âu, gồm 20.000 trái dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả có giảm, nhưng giá trị vẫn đạt 3,26 tỷ USD, cho thấy tầm quan trọng của mặt hàng giàu tiềm năng này.
Bà Mai Thị Hồng, Điều phối viên Việt Nam của Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam, cho biết: “Hiện có 15 loại trái cây Việt Nam được EU ưa chuộng như: thanh long, xoài, bưởi, chôm chôm, măng cụt, mít, sầu riêng, vú sữa, dừa…”.
Hệ thống kho lạnh của Trung tâm Hạnh Nguyên Logistics,
đáp ứng nhu cầu chế biến trái cây ở ĐBSCL
đáp ứng nhu cầu chế biến trái cây ở ĐBSCL
Tại ĐBSCL, diện tích cây ăn trái liên tục tăng. Năm 2010 là 287.000ha, đến năm 2020 tăng lên 377.000ha. Tuy nhiên, nhược điểm lâu nay của trái cây là khâu chế biến còn yếu. TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) lưu ý, điểm yếu của nông sản Việt Nam là tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực nhưng dao động từ 10%-25%, phương pháp bảo quản còn đơn giản, lạc hậu; logistics còn yếu, nhất là phương tiện vận tải, kho bảo quản, kho lạnh. Trong khi đó, sản phẩm qua chế biến sâu còn rất ít.
Đột phá từ bảo quản, chế biến
Cách đây gần 10 năm, ông Phạm Tiến Hoài, Tổng giám đốc Hạnh Nguyên Logistics, đã nhận diện thế mạnh của vùng cây ăn trái tại ĐBSCL và đầu tư nhiều nhà máy chế biến ở Hậu Giang. Theo ông Hoài, chi phí logistics trong ngành nông sản Việt Nam hiện chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này tại Thái Lan chỉ 12,5% và bình quân toàn cầu là 14%. Nguyên nhân do kênh phân phối từ sản xuất đến xuất khẩu trái cây vùng ĐBSCL phải qua nhiều trung gian.
“Khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang là một thương hiệu. Nhưng phải qua nhiều công đoạn, nông dân mua giống và vật tư về trồng trong vườn, khi thu hoạch phải chở đến vựa phân loại, đóng gói, rồi vận chuyển đến nhà máy chế biến. Tại đây, tiếp tục phân loại, rửa, đóng gói và đem đi chiếu xạ làm sạch. Sau đó, bảo quản trong kho hay xuất thông qua cảng biển, đường hàng không; hoặc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc”, ông Phạm Tiến Hoài dẫn chứng.
Đây là nguyên nhân khiến trái cây trong vùng rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá” vào cao điểm thu hoạch. Lâu nay, trái cây của ĐBSCL phải chịu “thiệt thòi kép” khi qua nhiều trung gian mua bán, rồi phải mất thêm thời gian vận chuyển lên TPHCM chiếu xạ, mới xuất khẩu. Song, điều này đang thay đổi khi nhiều doanh nghiệp đầu tư sâu vào công đoạn quan trọng chế biến và xuất khẩu trái cây tại ĐBSCL. Nổi lên là Trung tâm Hạnh Nguyên Logistics đặt tại Hậu Giang đi vào hoạt động cuối năm 2020. Trung tâm này có kho robot tự động 150.000 tấn và có 200 kiốt tạo điều kiện cho 200 thương nhân hiện diện để mở sàn giao dịch nông sản trong vùng.
Đặc biệt, tại trung tâm có máy chiếu xạ để trái cây có “giấy thông hành” xuất khẩu đi nhiều nước. Lâu nay với trái xoài, sau khi thu hoạch thì trong vòng 3 - 4 ngày, nhà vườn phải bán gấp vì để lâu sẽ hư. Áp lực chốt giá và bán chỉ giới hạn trong vòng 7 - 10 ngày. Với việc có trung tâm logistics của Hạnh Nguyên, ông Phạm Tiến Hoài hy vọng: “Phía công ty sẽ giúp nhà vườn lựa rửa, phân loại, đóng gói, chiếu xạ và bảo quản trong kho mát với nhiệt độ thích hợp nhất. Trái xoài được tăng thời gian bảo quản lên đến 90 ngày và trong giai đoạn này, nhà vườn có quyền thương lượng giá một cách công bằng và minh bạch”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nhận định: “Chế biến là một trong những khâu quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng. Hiện nay, chúng ta chỉ có khoảng 20%-30% nông sản được chế biến để xuất khẩu. Ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải chú ý đến khâu chế biến. Sản phẩm được chế biến sẽ giải quyết được tình trạng cung vượt cầu, giúp tạo ra giá trị gia tăng, đưa sự phát triển của các ngành nông sản đi vào quy luật cung cầu”.