1. Tần ngần trước bức tranh “Kỷ vật của mẹ”, anh Nguyễn Thái Sơn (ngụ quận 7) chia sẻ: “Mấy bữa nay, tôi cũng hay qua xưởng phụ thầy sắp xếp lại tranh, tự nhiên tới bức này, thấy xúc động lắm. Mỗi người mất vì Covid-19 đều có hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng tôi hiểu nỗi đau của những gia đình có người thân không may qua đời. Nhà tôi cũng vậy, bố mẹ vợ tôi mất vì Covid-19 hồi tháng 8, tới bây giờ bà xã tôi vẫn còn đau buồn lắm, bệnh này nó chia cách người ta, phút cuối không thể nào cận kề để chăm sóc cha mẹ được”.
“Kỷ vật của mẹ” được họa sĩ Lê Sa Long vẽ lại từ câu chuyện đời của anh Trương, anh Đức hay anh L... Sau gần 1 tháng gom nhặt, sắp xếp từng món đồ lớn nhỏ, ngày 23-9, hơn 500 túi đồ của những bệnh nhân mất vì Covid-19 được nhân viên y tế và y, bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 16 trao lại cho người nhà của họ. Anh Trương (ngụ quận 1) trên tay bế theo đứa con út, đến nhận lại những món đồ mà người vợ quá cố để lại. Vợ ra đi để lại 3 đứa con, người đàn ông dù rắn rỏi mấy, giây phút này giọng anh cứ nghèn nghẹn: “Vợ tôi mất ngày 21-8. Tôi đâu có nghĩ bà xã mình sẽ mất. Đêm trước, bà xã còn gọi cho tôi, hôm sau bệnh viện báo về vợ tôi mất. Trong tất cả đồ của bà xã, thứ quý giá nhất với tôi là chiếc điện thoại vì nó lưu rất nhiều hình ảnh gia đình”. Hay dưới mưa, anh Minh Đức (ngụ quận 10) vẫn ôm chặt chiếc túi của người cha quá cố vào ngực. Bước vào khu vực trao trả kỷ vật người qua đời vì Covid-19 của bệnh viện, nước mắt anh không ngừng: “Khi đến đây, cảm giác của tôi rất nặng nề, nhận lại đồ chứ cha đâu còn mà về với mình nữa…”.
Trong bức tranh “Kỷ vật của mẹ”, giọt nước mắt vẫn còn ngân ngấn, nhưng câu chuyện đời sau đó lăn dài những giọt buồn. “Trong tranh có chi tiết hình ảnh một thanh niên úp mặt vào túi xách của người cha để lại và khóc, đó là anh L. ở quận 10, một người bạn của tôi. L. theo đạo Công giáo nên khi vẽ, tôi có cài chi tiết dây buộc màu trắng như hình Chúa đang dang tay, cũng là cách để chia sẻ một chút nỗi đau với bạn. Mới hồi tháng 10 vừa rồi, tôi ngồi cà phê với L., bạn kể có lần làm ba buồn, muốn nói lời xin lỗi ông mà chần chừ mãi không dám nói, giờ ông ra đi đột ngột. “Tôi đã bỏ lỡ…”, nói tới đây rồi bạn khóc ròng”, họa sĩ Lê Sa Long kể.
2. Bức tranh “Đón ngoại về nhà” vẽ lại từ câu chuyện người quen của họa sĩ Lê Sa Long, hình ảnh cô gái trẻ quỳ gối, chắp tay nhận hài cốt của bà ngoại được lực lượng quân sự địa phương đưa về nhà. Anh xúc động: “Đây là câu chuyện của một người chị rất thân thiết với tôi. Hôm trò chuyện qua điện thoại, giọng chị buồn vô cùng, và rồi tôi cứ vẽ lại theo cảm xúc của mình. Từ nơi cách ly, chị theo dõi và hướng dẫn cháu Hoàng Hoa làm đúng lễ nghĩa. Khoảng 11 giờ trưa, đoàn đưa tro cốt bà ngoại đến đầu hẻm, Hoàng Hoa vội ra hướng dẫn đường vào, cô bé xúc động không ngừng khóc, còn chú chó nhỏ trong nhà ngơ ngác không hiểu vì sao ngoại vắng nhà quá lâu…”.
Cô bé Hoàng Hoa vừa tốt nghiệp cấp 3, lấy lại bình tĩnh đưa đoàn vào nhà, ký biên bản đón nhận tro cốt bà ngoại và trang trọng đưa lên bàn thờ. Hoàng Hoa nói: “Em ráng học để trở thành bác sĩ giỏi như tâm nguyện của ngoại, để chữa bệnh cho bà con mình…”.
Tôi tin và nguyện cầu giấc mơ vào trường y của Hoàng Hoa sẽ thành hiện thực, em sẽ chữa lành cho bệnh nhân, và hơn hết là chữa lành nỗi buồn này cho chính em cùng người thân trong gia đình trước sự ra đi của bà ngoại.
Không phải giọt nước mắt hay câu chuyện buồn nào trong mùa dịch này cũng được chúng tôi ghi chép, kể lại một cách chi tiết, tận tường được… Chỉ mong ngày tưởng niệm 19-11 sắp tới sẽ góp phần an lòng người đã khuất, xoa dịu người đang sống và nhắc nhở chúng ta sống trân trọng, yêu thương hơn.
Trong xưởng vẽ, anh Sơn phụ thầy mình là họa sĩ Lê Sa Long sắp xếp lại những bức tranh để chuẩn bị cho triển lãm vào cuối năm nay tại Bảo tàng TPHCM. Những bức tranh được hoàn thành theo nhịp thời sự của thành phố trong những ngày căng mình chống dịch. Số tranh đang được NXB Tổng hợp TPHCM hoàn thiện để in thành sách và in thành những tấm poster lớn cặp theo bức tường Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM (đường Đồng Khởi, quận 1)… |