Theo nhận định và tính toán của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học, với lượng vaccine được cam kết sẽ bàn giao trong quý III và quý IV năm nay, cùng nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, thì mục tiêu Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối quý I/2022 là khả thi.
Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào việc mở cửa lại và khôi phục hoạt động kinh tế vào đầu quý II/2022. Khi đó thị trường lao động sẽ sôi động hơn. Tuy nhiên nếu không chuẩn bị từ bây giờ, sẽ khó tránh khỏi tình trạng thiếu hụt lao động khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, cùng với việc giữ chân người lao động trong dịch bệnh, Chính phủ và các địa phương cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ, đào tạo và đào tạo lại để người lao động có thể quay lại thị trường lao đống sớm nhất có thể. Cùng với đó là sự chủ động tham gia thị trường của chính người lao động.
Trong những ngày này, nhiều lao động mất việc, lao động phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương… đã chủ động tìm công việc mới để duy trì cuộc sống. Với họ, phải thay đổi phương thức làm việc, chuyển sang làm việc tại nhà, làm việc online, thậm chí có người phải làm nhiều nghề cùng một lúc; hay nhiều lao động phải dịch chuyển từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức.
Dịch chuyển việc làm từ khu vực truyền thống sang khu vực mới, dựa trên nền tảng công nghệ như: Lái xe công nghệ, giao nhận hàng hóa, thanh toán trực tuyến; Rồi có lao động phải chạy xe ôm, phụ hồ, khuân vác - những công việc mà trước đây họ chưa bao giờ nghĩ tới… phần nào cho thấy những tác động khó lường mà dịch Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, không phải lao động nào cũng có kỹ năng và khả năng để tìm được công việc tạm thời nhằm duy trì cuộc sống trước mắt, bởi nhiều lao động đang phải nhận trợ cấp thất nghiệp và nhiều lao động khác phải nhận trợ giúp từ các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Từ thực tế này, các chuyên gia lao động cho rằng, để giảm bớt khó khăn cho người lao động ngay trong dịch bệnh và tránh được việc thiếu hụt nhân lực khi tình hình dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa quá khó khăn cần có giải pháp để giữ chân người lao động ngay trong dịch bệnh.
“Đối với những doanh nghiệp hiện nay chưa phải là dừng hoạt động thì tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của làn sóng thứ nhất và thứ 2. Đó là đầu năm 2020 khi mà gặp khó khăn rất nhiều doanh nghiệp ngay lập tức họ sa thải lao động vì lo lắng phải tăng chi phí và không kham nổi, nhưng khi dịch được kiểm soát tốt thì họ phải quay lại tuyển lao động, thì chi phí mà sa thải lao động sau đó lại phải tuyển lại lao động lại cao hơn rất nhiều so với chi phí là duy trì việc làm cho người lao động”, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động phân tích
“Kinh nghiệm ở đây là nếu chưa khó khăn đến mức là phải ngừng hoạt động thì các doanh nghiệp nên thỏa thuận với người lao động về việc duy trì việc làm. Một số kinh nghiệm hay là có thể cho người lao động nghỉ việc và hưởng mức lương tối thiểu; khó khăn hơn có thể doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và không trả lương, nhưng họ đưa một cái thư ưu tiên tuyển dụng và khi doanh nghiệp gọi trở lại thì những lao động có thư ưu tiên này sẽ được tuyển ngay và tuyển đúng vào vị trí mà trước đây họ đã từng làm”, bà Chi nêu ý kiến.
“Lo trước để khỏi lo sau”, tránh tâm lý e ngại, không sẵn sàng quay trở lại thị trường của người lao động ngay sau khi dịch được kiểm soát sẽ kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động ở thành thị và các khu công nghiệp, khu chế xuất khi phục hồi sản xuất, cùng những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất, ngay từ bây giờ, Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc.
Bởi đối với những lao động, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng, hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn.
Vì vậy, cùng nỗ lực hoàn thiện một hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và các chiến lược kết nối cung - cầu lao động liên tỉnh, thành phải sẵn sàng để nhanh chóng phân bổ nguồn lao động; hay kiến tạo động lực về cơ hội việc làm cho người lao động thì việc hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn cùng các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động là việc cần thiết. Cùng với đó thì bản thân người lao động phải tự trau dồi kỹ năng để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Chuyên gia lao động Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện công nhân nêu cho rằng: “Sắp tới khi ngăn chặn được dịch bệnh thì sử dụng người lao động đã từng làm cho doanh nghiệp là tốt. Đối với người lao động, việc làm vẫn là quan trọng nhất trong tất cả các mối quan tâm hàng đầu của con người”.
“Người lao động phải có việc làm mới nói đến tiền lương, đến đời sống. Người lao động khi quay trở lại với công việc, ngoài việc trau dồi kinh nghiệm thì cũng phải trau dồi kỹ năng, ý thức, thái độ làm việc, gắn bó với công việc thì công việc của họ mới có thể lâu dài và có được thiện cảm của doanh nghiệp”, ông Thọ nhấn mạnh.
Đứng trước nguy cơ già hóa dân số, cùng với số lao động bị sa thải, lao động dịch chuyển ồ ạt do dịch Covid-19 và cả tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, lao động có trình độ kỹ năng, tay nghề còn khiên tốn… thì một giải pháp hữu hiệu để tránh nguy cơ thiếu hụt lao động sau dịch bệnh, tránh đứt gãy nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sau đại dịch chính là việc khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp.
Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã quan tâm chú trọng vấn đề này. Chính sách tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, kinh nghiệm của một số quốc gia, ngay cả Mỹ cho thấy, sau khi kinh tế được phục hồi nhưng tỷ lệ thất nghiệp không giảm và thiết hụt nghiêm trọng lực lượng lao động. Đứng trước khó khăn, thách thức này, ngành hướng đến mục tiêu phát triển thị trường lao động linh hoạt, thích ứng nhằm huy động và sử dụng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội.
“Tôi lo lắng nhất bây giờ là đứt chuỗi cung ứng về lao động. Những đơn vị mà chưa bị ảnh hưởng dịch tập trung phải lo củng cố thị trường lao động. Còn đơn vị mà đang bị ảnh hưởng chỉ có kế hoạch và coi dịch này cũng phải biến nguy thành cơ để đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực. Giáo dục nghề nghiệp phối hợp tốt với các doanh nghiệp xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta cho phép sử dụng khoảng 4.500 tỷ để đào tạo, phục hồi giữ chân người lao động hậu Covid. Mà đào tạo thì không lấy một xu nào, doanh nghiệp được cấp tiền để đào tạo. Phải coi đây là thời cơ. Còn vay vốn Quốc gia giải quyết việc làm thì thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, Chính phủ sẽ quan tâm cấp vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm bộc lộ nhanh hơn và sớm hơn những hạn chế của thị trường lao động vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để chuẩn bị cho phục hồi và phát triển kinh tế, những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường lao động cần được theo dõi, đánh giá và có phương án xử lý ngay từ bây giờ nhằm giảm thiểu cú sốc thiếu hụt lao động khi nền kinh tế mở cửa trở lại, bảo đảm cơ sở vững chắc để nhanh chóng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất ngay khi dịch được khống chế. Việc này tuy khó khăn nhưng nên “Lo trước để khỏi lo sau”.