Ông Nguyễn Thành Thanh - trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An - nói: "Chúng tôi áp dụng cơ chế các doanh nghiệp (DN) được hoạt động trước rồi hậu kiểm các tiêu chí bảo đảm an toàn phòng dịch COVID-19. Từ 1-10, thêm hơn 200 DN với 25.486 công nhân trở lại hoạt động trong các khu công nghiệp...
Khi ban hành kế hoạch giai đoạn 1 dự kiến tới ngày 15-10, tỉnh đặt mục tiêu 30-40% lao động trở lại làm việc. Nhưng chỉ một nửa thời gian, mục tiêu này đã đạt trong các khu công nghiệp. Hy vọng tới khoảng cuối tháng 11-2021, hơn 80% lao động sẽ sản xuất trong điều ki bình thường mới. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào diễn biến chung".
Làm điều nhiều nơi khác chưa làm
* Long An đã hỗ trợ gì cho DN để thu hút lao động?
- Ban đầu chúng tôi rất thận trọng nhưng sau một tuần áp dụng kế hoạch phục hồi sản xuất, Long An đã ra quy định "thẻ xanh COVID" cho những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin được đi lại nội tỉnh, còn "thẻ vàng COVID" cho những người đã tiêm 1 mũi vắc xin được đi lại nội huyện.
Để giúp DN nhanh chóng thu hút lao động trở về nhà máy, lãnh đạo Long An đã mạnh dạn áp dụng điều các địa phương khác chưa làm.
Ban đầu, chúng tôi chỉ cho phép chuyên gia từ TP.HCM về lưu trú chứ không đi lại. Hiện chúng tôi phối hợp TP.HCM cho phép chuyên gia và chủ DN được đi về trong ngày.
Các lãnh đạo tỉnh chủ trương cho người lao động đã tiêm vắc xin được đi về hằng ngày từ TP.HCM để DN sớm có đủ lao động và đang tiếp tục kiến nghị.
Dịp để cải thiện chính sách cho người lao động
* Công nhân họ về quê cũng vì cực chẳng đã, thưa ông?
- Trong làn sóng vừa qua khi người dân tràn ra đường ùn ứ về quê, chúng tôi đã trực tiếp ra đối thoại thì số lượng lớn vẫn là lao động tự do. Họ chủ yếu muốn về nhà sau một thời gian đã tổn thương nhiều về tinh thần.
Chúng tôi đề nghị các DN đặt chỗ, thậm chí ứng lương trước để họ làm việc ngay tháng 10, họ vẫn nhất quyết về quê. Nhưng họ chia sẻ chỉ về quê một thời gian, sẽ quay lại. Tôi tin họ sẽ quay lại thật. Cá nhân tôi nghĩ việc về quê tái tạo tinh thần cũng là điều cần thiết cho công nhân.
Đây cũng là dịp các DN phải nỗ lực hơn nữa cải thiện chính sách cho người lao động. Ai có chính sách tốt người lao động sẽ quan tâm.
Ở Long An, có Công ty TNHH Chingluh hơn 35.000 công nhân, trong ba tháng ngừng sản xuất họ vẫn bỏ ra khoảng 270 tỉ đồng/tháng trả lương giữ công nhân. Tôi tin với chính sách ấy, công nhân sẽ đáp lời khi DN kêu gọi trở lại làm việc.
* Kế hoạch của Long An có phải liên tục điều chỉnh cho phù hợp?
- Kế hoạch phục hồi kinh tế của Long An sau 2 tuần áp dụng đã được điều chỉnh, chỉ xét nghiệm COVID-19 với trường hợp nghi ngờ để giảm chi phí.
Khi nhiều DN nêu khó khăn do phải chuẩn bị chỗ cách ly y tế khi phát hiện F0..., bí thư Tỉnh ủy Long An đã chỉ đạo thí điểm mỗi khu kinh tế phải xây dựng một cơ sở điều trị COVID-19 chung. Việc này giúp rất nhiều cho DN nhưng trên hết là đảm bảo người lao động được bảo vệ sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Được (bí thư Tỉnh ủy Long An): Nhường vắc xin cho công nhânTrong những ngày khó khăn nhất khi đối mặt với COVID-19 lây lan nhanh, Long An đưa mục tiêu chống dịch lên hàng đầu nhưng cũng song hành chuẩn bị hồi phục sản xuất. Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng được phân bổ vắc xin để ưu tiên tiêm cho công nhân. Tất cả người dân Long An đều nhường cho công nhân được tiêm trước. Khi vừa phủ được vắc xin mũi 1, chúng tôi cho áp dụng ngay giai đoạn phục hồi sản xuất từ 15-9. Khi tính toán kế hoạch, chúng tôi cũng đặt ra mốc 15-10 bởi giai đoạn đó, Long An sẽ phủ được đủ 2 mũi vắc xin cho tất cả người lao động. Ngoài ra, Long An tính toán dành thêm vắc xin để DN thu hút lao động từ ngoài tỉnh. Đón người lao động đến Long An cũng là mục tiêu quan trọng song hành cùng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh. |