Thậm chí, Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung về dòng vốn FDI, bởi 3 thế mạnh quan trọng đã thúc đẩy các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, từ đó dẫn đến việc xuất khẩu tăng mạnh.
Đầu tiên và quan trọng nhất, mức lương tại các nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, trong khi năng suất làm việc của nguồn nhân lực 2 quốc gia tương đương nhau. Tiếp theo, Việt Nam có vị trí địa lý gần kề với chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt thuận tiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Và cuối cùng, Việt Nam được hưởng lợi từ hiện tượng “Friendshoring”, trong đó các công ty đa quốc gia có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia có ít rủi ro trong việc chịu mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Đặc biệt, sức hấp dẫn của Việt Nam đã tăng đáng kể trong năm nay sau chuyến thăm Việt Nam của ông Antony Blinken, cũng như phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay gồm các công ty hàng đầu của Mỹ.
Lợi thế này của Việt Nam cũng không hề bị giảm sút, khi chuyến thăm Ấn Độ của Tim Cook, CEO của Tập đoàn Apple vào tháng 4, đã làm dấy lên nhiều suy đoán về ý định của Apple sẽ xây dựng các nhà máy mới tại Ấn Độ.
Bởi lẽ, việc đầu tư vào Ấn Độ không có xuất phát điểm tương tự như "Trung Quốc + 1" - chiến lược đầu tư thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thập niên qua và ngày càng tăng kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Theo đó, từ năm 2018 đến 2022, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 13%, từ 69% còn 56% tổng xuất khẩu từ các nước kém phát triển (LDC) ở châu Á (bao gồm cả Ấn Độ) sang Mỹ.
Việt Nam đã có được khoảng một nửa thị phần xuất khẩu giảm của Trung Quốc, qua đó tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong các nước LDC ở châu Á sang Mỹ từ 6% năm 2018 lên 13% vào năm 2022.
Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn vốn FDI của một số quốc gia trong khu vực như Malaysia và Indonesia tăng mạnh trong 2 năm qua, là tín hiệu tích cực cho Việt Nam. Bởi lẽ, năng lực của Việt Nam vẫn chưa mở rộng sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, như trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
Trong khi đó, Malaysia đã bắt đầu với việc lắp ráp các sản phẩm điện tử để phát triển công nghệ này và đã thành công. Vì vậy, kinh nghiệm của Malaysia sẽ giúp Việt Nam trong việc tiếp cận các dòng vốn FDI để phát triển các công nghệ mới.
Tuy nhiên, năm 2021, hơn 100 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đã đồng ý với đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu (GMT) 15% từ năm 2023. Hiện Việt Nam đang chuẩn bị triển khai cơ chế thuế tối thiểu vào năm tới, và khoảng 70 công ty ở Việt Nam có thể bị tăng thuế suất nếu cơ chế thuế mới được áp dụng.
Đồng thời, một số thị trường mới nổi trong khu vực được cho đang nghiên cứu các hỗ trợ thay thế, trong đó một số khoản thu thuế bổ sung sẽ được chuyển vào “quỹ hỗ trợ kinh doanh”, để trợ cấp một số chi phí sản xuất của các công ty đó (như trợ giá điện, hỗ trợ chi phí xây dựng nhà máy mới, hỗ trợ nhà ở cho công nhân), nhằm bù đắp gánh nặng từ việc đóng thuế ở mức cao hơn của các công ty.
Vậy GMT có cản trở dòng vốn FDI của Việt Nam hay không? Câu trả lời là khó có khả năng này. Bởi thực tế, các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính dòng vốn FDI. Những yếu tố như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động (chất lượng và tiền lương) và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn. Hơn nữa, Việt Nam sẽ có những giải pháp thay thế cho thuế GMT khi cơ chế này được triển khai.
Vì vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho FDI, đặc biệt từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm cơ sở sản xuất thay thế, hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần.