Khu vực kinh tế tư nhân đang liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động và đóng góp trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%. Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách; trong đó khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kinh tế tư nhân có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển nên cần sự hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện để phát triển.
Duy trì tốc độ tăng trưởng khá
Trên thực tế, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua.
Khu vực này, hiện đóng góp trong cơ cấu GDP cao hơn khu vực kinh tế nhà nước trên 14%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 25%.
Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp quan trọng trong những giai đoạn có tính bất định như dịch bệnh COVID-19.
Vai trò kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Điều này thể hiện ở năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, năng lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Đặc biệt, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những điểm tồn tại, hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế.
Đặc biệt, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch.
Việc tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức. Không những thế, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao...
Nhiều ý kiến phàn nàn rằng, doanh nghiệp tư nhân bị đối xử kém so với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Chính sách phân bổ nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực, địa bàn chưa hiệu quả và đúng mục tiêu. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát còn bất cập.
Vẫn còn gần 20% doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho biết vẫn bị thanh, kiểm tra 2 lần/năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng vẫn bị kiểm tra. Việc thanh, kiểm tra đang tạo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, thanh, kiểm tra nên là nội dung trọng tâm để cải cách trong thời gian tới. Thanh, kiểm tra để giúp doanh nghiệp phát triển chứ không phải đào thải doanh nghiệp.
Hỗ trợ tối đa để phát triển
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 3 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng có vốn đăng ký tăng 27,5%.
Nguyên nhân do gia tăng số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, tăng 36,8% và giảm số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng còn 3,3%.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%, đây phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Trước những bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” với mục tiêu chính là đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đề án chỉ rõ, kinh tế tư nhân có vai trò rất lớn, đóng góp 43% GDP; 85% tổng số lao động đang làm việc; 49% vốn đầu tư xã hội, 8,9% tốc độ tăng GDP….
Theo đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần đánh giá toàn diện, đầy đủ và bình đẳng về khu vực kinh tế tư nhân để huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này phát triển tương xứng với vị thế vốn có.
Mục tiêu từ nay đến năm 2030, đi cùng việc xác định đúng vai trò của nhà nước là kiến tạo, phương thức quản lý nhà nước cũng sẽ mang một "diện mạo" mới, ngay từ khâu hậu kiểm lâu nay vẫn làm khó doanh nghiệp.
"Sẽ không còn điều được gọi là hậu kiểm nữa. Thay vào đó sẽ chuyển từ tiền kiểm sang giám sát theo quản lý rủi ro; giảm can thiệp hành chính sâu," ông Phan Đức Hiếu cho hay.
Tư duy thanh tra, kiểm tra cũng sẽ có sự thay đổi triệt để. Ở đây thay vì tạo ra nỗi sợ "truyền kỳ", hoạt động này sẽ hướng tới việc giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật chứ không phải là công cụ "trừng phạt, triệt tiêu doanh nghiệp."
Cùng đó sẽ "áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau," Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu chia sẻ.
Cùng với đó, là các giải pháp được đưa ra xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia doanh nghiệp trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công; giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp...
Một số chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm, doanh nghiệp vẫn có nhiều phản ánh, kiến nghị về khó khăn trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, về sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, nhiều quy định không hợp lý, không tương thích, tạo ra chi phí tuân thủ cao.
Hay doanh nghiệp bị can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ, chưa có cơ chế kiểm soát được chất lượng của các quy định mới ban hành hoặc sửa đổi… Đây sẽ là những nội dung Đề án cần tập trung làm rõ, đưa giải pháp khắc phục một cách thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh tới yếu tố liên kết của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh công nghệ số đang ngày càng phổ biến thì nguồn nhân lực chất lượng cao càng có vai trò thiết yếu.
Đồng quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt còn yếu. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động đơn độc, thiếu sự liên kết...
Do đó, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; phải tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
“Cùng với đó là phải khắc phục những hạn chế đã được chỉ rõ, đó là chuyển từ quản lý sang quản trị, từ kiểm soát sang đồng hành. Các cơ quan quản lý Nhà nước, cho đến nay, vẫn rất cồng kềnh và thường ban hành những quy định mà chưa làm rõ được bản chất, mục đích,” tiến sỹ Kiên nhấn mạnh.
Đề án "Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam" đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất trình Chính phủ phê duyệt được trông đợi sẽ tháo gỡ triệt để những "nút thắt" này.