Song, trên hành trình ấy vẫn còn không ít thách thức, mà tài chính là một trong những “nút thắt”.
Hành trình nhiều khó khăn
Sự chuyển mình của các DN ngành may trong bối cảnh xanh hóa, phát triển bền vững đang trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc. Lý do, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các nhà nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đã thay đổi trong chính sách mua hàng, khi yêu cầu các sản phẩm của nhà sản xuất phải là sản phẩm xanh. Tuy nhiên, đầu tư cho phát triển xanh, phát triển bền vững là thách thức không nhỏ với DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, khi thời gian vay vốn có thể lên tới 20 năm.
Chăm sóc bò sữa ở trang trại bò sữa của Vinamilk tại Tây Ninh với mô hình chăn nuôi xanh theo chuẩn GlobalGAP. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đứng trước khó khăn, không phải DN nào cũng nản chí. Nhiều DN đã thực thi từng phần trong cam kết xanh hóa, như chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), sử dụng nguyên liệu sinh khối cho lò hơi. Đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất cũng là lựa chọn của nhiều DN.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, nhà sáng lập thương hiệu V-Sixtyfour, cho biết, nếu như cách đây 5 năm, xanh hóa được nhắc đến như một xu hướng, thì hiện nay xanh hóa đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các DN dệt may.
Ông Việt cho rằng, bài toán lợi nhuận trong giai đoạn chuyển đổi xanh là một thách thức lớn đối với các DN khi hàng loạt chi phí tăng lên. Nhưng xét về lâu dài, tăng trưởng phải tính đến sự cân bằng với các yếu tố môi trường. Thực tế cho thấy, chuyển đổi xanh sẽ giúp các DN tiết giảm chi phí sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược phẩm OPC, một đơn vị được tôn vinh là Doanh nghiệp Xanh năm 2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thực tế ngành nào cũng vậy, khi bước chân vào hành trình phát triển bền vững hay sau này là ESG (môi trường - xã hội - quản trị) phải đứng trước rất nhiều cân nhắc. Là DN sớm bước chân vào hành trình này, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, nhìn nhận, khi nói đến phát triển bền vững, những DN có vốn đầu tư nước ngoài dường như đã đi trước các DN nội địa rất xa.
Trong khi các tập đoàn nước ngoài có nguồn vốn mạnh tài trợ và đặt ưu tiên cao cho những hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, sau này là ESG, thì DN Việt với tuổi đời non trẻ trên dưới 20-30 năm khá chật vật với bài toán sống còn.
Khơi dòng tài chính xanh
Thời gian qua, không ít DN gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn xanh từ ngân hàng. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), nguyên nhân đến từ cả hai phía: DN và ngân hàng. Cụ thể, DN vẫn chưa thực sự hiểu rõ về tín dụng xanh và các lợi ích mà nó mang lại. Thủ tục tiếp cận nguồn tín dụng xanh cũng được xem là rào cản; quy trình vay vốn xanh có thể phức tạp hơn so với vay vốn truyền thống, gồm nhiều bước thẩm định và giấy tờ cần thiết.
Trong khi đó, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa thường thiếu nguồn lực, nhân lực để thực hiện các thủ tục này, làm tiêu tốn thời gian và chi phí. Về phía ngân hàng, các dự án xanh thường bị đánh giá có tính rủi ro cao, khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội và hiệu quả tài chính cũng như yêu cầu tài sản bảo đảm. Điều này dẫn đến ngân hàng phải cho vay với điều kiện chặt chẽ, mức lãi suất cao tương ứng với mức rủi ro của dự án.
Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, quá trình xanh hóa đang có sự đua tranh của các nhà bán hàng, bởi nó là yêu cầu bắt buộc để có đơn hàng từ các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản. Đồng thời, có xanh hóa DN mới khai thác được các ưu đãi từ các FTA, gia tăng cạnh tranh với các quốc gia đang xanh hóa mạnh mẽ như Bangladesh hay Ấn Độ.
Theo đại diện OCB, để khơi thông dòng tín dụng xanh, cả DN và ngân hàng đều phải nỗ lực hành động. Theo đó, DN cần tăng cường nhận thức về tín dụng xanh, tham gia các mạng lưới, diễn đàn về tín dụng xanh, kết nối với các DN, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực này để học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin. Đặc biệt, DN phải chuẩn bị hồ sơ đáp ứng yêu cầu của phía ngân hàng.
Về phía các ngân hàng, cần có những hành động chiến lược như phối hợp các tổ chức quốc tế phân tích hiện trạng khách hàng, ngành nghề được vay vốn tín dụng xanh, yêu cầu của khách hàng để từ đó xây dựng chiến lược phát triển tài chính xanh phù hợp. Xây dựng khung tài chính xanh dựa trên tham khảo các quy định/thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần phát triển các gói tín dụng cụ thể dành cho dự án thân thiện môi trường, như năng lượng tái tạo, quản lý nước, công nghệ sạch… phù hợp với khách hàng hiện hữu cũng như nhóm khách hàng dự kiến tiếp cận trong tương lai.
Bên cạnh những nỗ lực của DN và các ngân hàng, thì sự trợ lực từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là không thể thiếu. Khi tất cả cùng nỗ lực thì khả năng khơi thông dòng vốn xanh sẽ rất khả thi.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30-6, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, kết quả này còn hạn chế, bởi chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế, để các ngân hàng có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án trong quá trình thẩm định cho vay, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý.