Gỡ vướng để mì ăn liền sản xuất thời dịch, hàng xuất khẩu được bán ở TP.HCM

(ĐTTCO)-Trước phản ảnh của doanh nghiệp về việc sản xuất mì ăn liền khó đáp ứng các quy định do dịch bệnh ảnh hưởng nguyên phụ liệu, Ban quản lý an toàn thực phẩm đã đề xuất các giải pháp gỡ khó cũng như cho phép hàng xuất khẩu được bán ở TP.HCM.
Gỡ vướng để mì ăn liền sản xuất thời dịch, hàng xuất khẩu được bán ở TP.HCM

Cụ thể, ngày 6-8, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề xuất chấp thuận các giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp trên cơ sở kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng tại cuộc họp về khó khăn, vướng mắc của Hội Lương thực thực phẩm TP.

Trong đó, đối với trường hợp của Công ty cổ phần Vifon, phía doanh nghiệp này đề nghị được lưu hành sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Trong trường hợp này, sản phẩm phải tuân thủ quy định tại nghị định số 43 và 15, trong đó có nội dung "phải thực hiện tự công bố trước khi lưu hành ra thị trường".

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội, ban quản lý đề xuất các giải pháp, trong đó công ty phải thực hiện các yêu cầu sau:

Thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn theo quy định đối với các lô sản phẩm sản xuất xuất khẩu dự kiến tiêu thụ tại thị trường trong nước và gửi kết quả kiểm nghiệm về ban quản lý. Có thông tin bằng tiếng Việt trên sản phẩm. Sự điều chỉnh này chỉ áp dụng đối với các lô sản phẩm sản xuất xuất khẩu kể từ ngày 2-8-2021 trở về trước và chỉ được tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM.

Đối với trường hợp của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, phía doanh nghiệp này đề xuất được phép sử dụng những bao bì sản phẩm hiện tại và không phải tự công bố lại sản phẩm khi có sự điều chỉnh, thay đổi các thành phần nguyên liệu phụ. Đồng thời, công ty này cũng đề xuất "gửi các báo cáo chi tiết bằng văn bản cho các cơ quan hữu quan và thông tin minh bạch đến người tiêu dùng".

Theo ban quản lý, nghị định số 15 quy định về việc sản phẩm có thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm.

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn TP trong thời gian giãn cách xã hội, ban quản lý đã đề xuất giải pháp và đề nghị công ty này phải đảm bảo các yêu cầu cụ thể:

Trước khi lưu hành sản phẩm, công ty phải thực hiện thông tin trên nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa bằng cách dán nội dung ghi thành phần đúng theo thực tế sản xuất đè lên nội dung thành phần cũ và đảm bảo không bị bong, rơi hoặc tách rời khỏi bao bì của từng sản phẩm. Việc điều chỉnh nguyên liệu phụ phải đáp ứng các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ban quản lý cho hay sự điều chỉnh này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm được sản xuất từ ngày 3-8-2021 đến ngày 30-8-2021 của công ty do có sự điều chỉnh nguyên liệu phụ và chỉ kinh doanh các sản phẩm trên tại địa bàn TP.HCM trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó, bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho biết việc phụ thuộc nguyên liệu đầu vào của nhiều nhà sản xuất khiến các doanh nghiệp trong ngành này gặp khó khi nhà cung cấp hương liệu, phụ gia, gia vị... có F0.

Do đó, bà Chi đã đề xuất giải phải cấp bách, linh động để doanh nghiệp điều chỉnh nguyên liệu tạm thời, thông báo với cơ quan chức năng bằng văn bản thay vì phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm với thời gian kéo dài.

Các tin khác