Gỡ vướng mắc doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

(ĐTTCO)-Vướng mắc hiện nay là doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, trong khi các ngân hàng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định và điều kiện cho vay.
Gỡ vướng mắc doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Mặc dù nguồn vốn tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên, được Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông. Nhưng thực tế, đa số các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, việc cho vay đối với DNNVV vẫn gặp phải những khó khăn.

Khó tiếp cận vốn vì độ tin cậy thấp

Tại Chương trình kết nối DN với chủ đề “Các giải pháp vốn - tín dụng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh”, do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME), phối hợp với Trung tâm hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội tổ chức chiều 24/8, đại diện các cơ quan quản lý, tài chính - ngân hàng và các DN đã cùng bàn thảo các giải pháp, nhằm tháo gỡ các khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ cũng như hỗ trợ các hoạt động tư vấn, quản trị DN.

Đề dẫn chương trình, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HANOISME cho biết, hiện số DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội đang hoạt động chiếm trên 98%/tổng số các DN trong cả nước. Qua thực tế tìm hiểu tại các DN thành viên, Hiệp hội nhận thấy phần lớn các DN gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng là các DN mới thành lập. Các DN có quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế lại đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại cũng như các khoản nợ đến hạn.

“Nguyên nhân lớn nhất khiến các DN gặp khó khăn về tín dụng là do thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều DN phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm”, ông Mạc Quốc Anh nêu.

Bên cạnh đó, đại diện HANOISME cũng cho rằng, kinh tế khó khăn, nguồn lực của DN bị cạn kiệt đã dẫn tới việc các DN không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi các ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định và điều kiện cho vay để đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.

Chia sẻ những khó khăn khiến các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng DN, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, phần lớn các DNNVV còn thiếu năng lực kinh nghiệm hoàn thiện hồ sơ vay vốn, nhất là quá trình thiết lập hệ thống báo cáo tài chính cũng như sổ sách kế toán.

“Thường các ngân hàng khi thẩm định năng lực của các DN có nhu cầu cấp vốn tín dụng sẽ căn cứ vào hồ sơ năng lực kinh doanh của khách hàng, tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính và sổ sách kế toán cũng như tính khả thi của phương án,… Nu ngân hàng thấy có độ tin cậy thấp sẽ không đánh giá được năng lực khiến quá trình tiếp cận vốn vay của DN gặp rất nhiều khó khăn”, ông Dũng cho hay.

Đề xuất giảm 50% số điều kiện cho vay

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh của các biến đổi và thách thức không ngừng, việc nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư thông minh và hiệu quả về vốn và tín dụng của các DN. Nhận rõ vấn đề này, bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội cho biết, thời gian qua, Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ, thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho, giúp DNNVV tiếp cận các nguồn lực để phát triển.

Trên thực tế DNNVV được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn. Song sức hấp thụ vốn của DN còn hạn chế, cùng với nền kinh tế suy giảm đã dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng.

“Những chương trình kết nối sẽ hướng tới mục đích giúp DN các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường và hỗ trợ các hoạt động tư vấn quản trị DN hữu ích. Trong đó, việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất về vốn - tín dụng của DN sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023”, bà Hương khẳng định.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn cho các DNNVV trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng, đại diện ngân hàng SHB cho biết, đang tiếp tục rà soát và sửa đổi quy trình, thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tích cực nghiên cứu thị trường cho ra những sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách hàng thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận vốn.

Tổng Thư ký HANOISME - ông Mạc Quốc Anh đề xuất mong muốn của các DN về việc cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.

“Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15%-20% nên DN mong muốn được vay tín chấp đến 35% phần còn lại là tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, muốn vay được vốn ngân hàng, các DN cần cung cấp đúng đủ hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài từ đó sẽ được ưu tiên”, ông Mạc Quốc Anh khuyến nghị.

Các tin khác