Gói hỗ trợ 2% lãi suất: Chiếc "phao vàng" không dễ tiếp cận

(ĐTTCO)-Sau gần 3 tháng triển khai Gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng ưu đãi nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ với vô vàn lý do khác nhau.
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được ví von giống như chiếc "phao vàng" giúp cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, thế nhưng sau gần 3 tháng triển khai, việc thực hiện hỗ trợ từ phía ngân hàng vẫn còn rất ì ạch.

Nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng ưu đãi nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ với vô vàn lý do khác nhau.

Đúng đối tượng nhưng không dễ tiếp cận

Sau thành công của mô hình buýt 2 tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam đang lên kế hoạch mở rộng mô hình này đến một số thành phố khác. Để thực hiện kế hoạch này, nguồn vốn đầu tư ban đầu cho phương tiện vận chuyển, xây dựng nhà chờ... là khá lớn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam cho biết, khi công ty liên hệ một số ngân hàng thương mại để vay vốn thực hiện dự án thì câu trả lời là không, dù đây là doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch vốn được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

"Các ngân hàng thương mại đều nói hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nên không thể cho vay, hoặc phải vay với lãi suất cao; còn để vay vốn hưởng ưu đãi 2% lãi suất thì điều kiện ràng buộc quá khó khăn. Trong khi đó, sau 2 năm "tê liệt" do ảnh hưởng của đại dịch, các doanh nghiệp ngành du lịch sẽ khó đáp ứng điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng như về dòng tiền, tài sản thế chấp, kinh doanh có lãi..." - ông Nguyễn Khoa Luân chia sẻ.

Không riêng các doanh nghiệp du lịch, một số doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, vốn được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ 2% lãi suất, cũng cho biết chưa thể tiếp cận với dòng vốn ưu đãi.

Theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, không chỉ gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà ngay cả khoản vay thông thường công ty cũng không thể tiếp cận được. Tất cả các ngân hàng công ty liên hệ đều cho biết đang phải chờ nới room tín dụng.

Trong khi đó, hiện công ty đang rất cần vốn do đang trong thời gian thu hoạch lúa. Việc không vay được vốn khiến Vrice gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất của các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn, do các ngân hàng đều trả lời là đang chờ quy định về quy trình cho vay và quyết toán.

Qua trao đổi với một số ngân hàng, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phốHồ Chí Minh cho biết, hầu hết các ngân hàng đều e ngại sẽ lặp lại tình trạng của năm 2009 khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất, do có nhiều khoản vay giải ngân nhưng không quyết toán được. Có trường hợp quyết toán xong nhưng khi kiểm toán, thanh tra Ngân hàng Nhà nước kiểm tra thì không chấp nhận, khiến ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn.

Vấn đề lo ngại này cũng được lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở Thành phốHồ Chí Minh thừa nhận. Theo vị này, vì nguồn hỗ trợ được lấy từ ngân sách nhà nước, do đó quá trình triển khai hỗ trợ phải đảm bảo vừa hỗ trợ được khách hàng, vừa có thể quyết toán được từ ngân sách. Nếu thực hiện không đúng đối tượng, quy định thì ngân hàng có nguy cơ gánh nợ xấu và phải chịu trách nhiệm pháp luật.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc

Thực tế, báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 17/8 cho thấy, sau gần 3 tháng Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành, việc triển khai chính sách vẫn còn chưa đạt như kỳ vọng.

Cụ thể, doanh số cho vay gói hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi các ngân hàng đã triển khai hỗ trợ khách hàng còn chậm chạm hơn, với hơn 1 tỷ đồng tiền lãi được hỗ trợ và dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng.

Goi ho tro 2% lai suat: Chiec
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế. Một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai là do các ngân hàng thương mại còn gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay như nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ... Ngoài ra, còn có nguyên nhân được xác định đến từ phía các ngân hàng thương mại.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, dù số lượng doanh nghiệp, khách hàng được hỗ trợ chưa nhiều song bước đầu đã có những kết quả tích cực.

Hiện các tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình, văn bản hướng dẫn nội bộ, xây dựng phần mềm quản lý và tổ chức triển khai thực hiện, tập huấn trong toàn hệ thống. Cùng với đó, mỗi cán bộ nhân viên thuộc bộ phận tín dụng tại các chi nhánh, phòng giao dịch đã được tập huấn nghiệp vụ, nắm bắt quy định để thực hiện cũng như thông tin tư vấn cho khách hàng.

"Ở góc độ nghiệp vụ, tất cả các tổ chức tín dụng cơ bản đã thực hiện xong công tác này, từ hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng đến nghiệp vụ kế toán và tập huấn, sử dụng phần mềm, báo cáo thống kê, phân loại dư nợ... Các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ có thể liên hệ các ngân hàng để được tư vấn, hỗ trợ cụ thể," ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Trong các buổi kết nối giữa ngành ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh liên tục nhấn mạnh, các doanh nghiệp khi gặp khó khăn vướng mắc liên quan lĩnh vực ngân hàng các sở, ngành hoặc chính Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp tháo gỡ.

Trong quá trình này, nếu vướng mắc liên quan cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, điều chỉnh. Nếu vướng mắc thuộc về ngân hàng thương mại, cán bộ ngân hàng gây khó khăn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận xử lý.

Tuy nhiên, trường hợp vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, tài chính, sổ sách kế toán không minh bạch, sử dụng vốn vay sai mục đích... thì doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, thay đổi để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ được thuận lợi.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai gói hỗ trợ, trong buổi làm việc chiều 17/8 với các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn... để kịp thời sửa đổi.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải chủ động nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện các khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có các giải pháp khắc phục theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, ngay tuần sau phải tổ chức hội nghị để tiếp thu ý kiến phản ánh của các ngân hàng thương mại, các bộ, ngành liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp), phối hợp cử cán bộ tham dự để hướng dẫn, giải thích cho các tổ chức tín dụng...

Các tin khác