Gói hỗ trợ đối với hỗ trợ lao động tự do
Ở đợt dịch Covid-19 thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27.4) đến nay, TP.HCM đã ban hành các gói hỗ trợ Covid-19 đợt 1, đợt 2 và đang có tờ trình gói “2+”.
Theo đó, ngày 1.7, TP.HCM đã ban hành Công văn 2209, triển khai gói hỗ trợ đợt 1 với 6 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM. Trong đó có nhóm lao động tự do được hỗ trợ 1 lần, mức 1,5 triệu đồng/người khi đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện.
Điều kiện thứ nhất, mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng. Điều kiện thứ hai, cư trú hợp pháp trên địa bàn TP.HCM (nếu tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận).
Điều kiện thứ ba, làm một trong 6 loại công việc sau gồm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; Bán lẻ vé số lưu động; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); Làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Công văn số 1749 ban hành ngày 30.5.2021.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết việc thực hiện gói an sinh xã hội xuất phát từ nhu cầu thực tế dịch Covid-19, khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và 6 nhóm ngành nghề này phải dừng hoạt động nên được hỗ trợ trong khoảng thời gian 1 tháng (từ ngày 31.5 đến 29.6) với mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người.
Tuy nhiên khi hỗ trợ xong đợt 1, từ tháng 7.2021, tình hình dịch tại TP.HCM tiếp tục có diễn biến phức tạp nên cần phải tiếp tục hỗ trợ nhóm này.
Ngày 6.8, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Công văn 2627 triển khai gói hỗ trợ đợt 2, trong đó hỗ trợ tiếp 1,5 triệu đồng cho lao động tự do theo danh sách đợt 1 và bổ sung thêm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động nghèo.
Tuy nhiên, dựa trên báo cáo rà soát của chính quyền địa phương, tính đến ngày 28.8, khi Sở LĐ-TB-XH có tờ trình gói "2+" thì số lượng lao động tự do phát sinh thêm là 1.107.554 lượt người. Con số này bằng số lao động phát sinh tăng của đợt 1 (hơn 104.000 lượt người) cộng với số lao động dự kiến của đợt 2 (hơn 1.003.000 lượt người).
Nhiều người dân thắc mắc vậy những người lao động tự do được bổ sung vào danh sách đợt 2, sẽ nhận 3 triệu đồng (tức cộng luôn cả đợt 1 trước đó là 2 lần) hay chỉ 1,5 triệu đồng tại đợt 2? Liên quan vấn đề này, ngày 1.9, trong chương trình livestream ‘Dân hỏi – Thành phố trả lời’, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin rõ: “Sở dĩ trong cùng một ngành nghề, tuy đã có người nhận 2 lần, có người mới nhận 1 lần là do người có tên trong danh sách đợt 1 thì đợt 2 sẽ được hỗ trợ tiếp, tức cả 2 lần là 3 triệu đồng/người. Còn người sau này được bổ sung vào gói đợt 2 chỉ nhận một lần, tức tính từ gói thứ 2 trở đi (nhận 1,5 triệu đồng/người) vì TP.HCM thì không thể truy ngược lại danh sách để người lao động có thể nhận thêm lần trước đó”, ông Hoan thông tin.
Gói hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động khó khăn
Tối 6.9, trong chương trình livestream 'Dân hỏi - Thành phố trả lời', ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin tính đến nay, TP.HCM đã chi khoảng 6.000 tỉ đồng (gồm khoảng 4.800 tỉ đồng từ ngân sách và khoảng 1.200 tỉ đồng từ xã hội hóa), phát trên 1,6 triệu túi an sinh và gạo cho người dân khó khăn. Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, nếu tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài thì TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Dự kiến, sau ngày 15.9, TP.HCM sẽ xây dựng mức hỗ trợ theo người và tình hình dịch còn giãn cách đến đâu sẽ hỗ trợ đến đấy, với các hình thức hỗ trợ gồm số tiền mặt hàng tháng cho mỗi người; hỗ trợ gạo 15 kg/tháng, túi an sinh và các hình thức khác như hỗ trợ điện nước, vận động giảm tiền nhà trọ... |
Với Công văn 2627 triển khai gói hỗ trợ đợt 2, TP.HCM tiếp tục mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ, gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa... đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM (đối tượng ngoài Nghị quyết 09).
Với đối tượng này, TP.HCM không yêu cầu bất cứ điều kiện nào như thường trú, tạm trú. Danh sách sẽ do chính quyền cơ sở báo cáo, hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/hộ (trong đó có 1 triệu đồng là từ ngân sách, 500.000 đồng gồm 200.000 đồng tiền mặt và phần quà 300.000 đồng từ nguồn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM). Như vậy, đối tượng này sẽ nhận 1,2 triệu đồng tiền mặt và một phần quà trị giá 300.000 đồng.
Đồng thời tùy vào tình hình thực tế mà tại địa phương sẽ có cách thức chi hỗ trợ.
Riêng về đối tượng người lao động nghèo, dự kiến ban đầu tại Công văn 2627 có hơn 175.000 hộ. Tuy nhiên, sau đó, qua rà soát, chính quyền cơ sở báo về tiếp tục phát sinh trường hợp nên ngày 22.8, TP.HCM tiếp tục ban hành Công văn 2799 bổ sung số lượng, và sau đó điều chỉnh “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động khó khăn” để mở rộng đối tượng được hỗ trợ.
Tính đến ngày 28.8 khi Sở LĐ-TB-XH có tờ trình đề xuất gói "2+", con số thống kê có hơn 1.230.000 hộ lao động khó khăn và TP.HCM vẫn đang chi hỗ trợ.
Ngoài ra, với việc đề xuất gói "2+", nếu được thông qua, sẽ có khoảng 4,5 triệu nhân khẩu trong hộ lao động khó khăn và khoảng 300.000 lao động làm thuê theo thời vụ được hỗ trợ.
Ông Lê Minh Tấn thông tin, thành viên hộ nghèo, lao động nghèo, lao động khó khăn có thể đáp ứng nhiều diện hỗ trợ nhưng chỉ được hưởng mức cao nhất. Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM lưu ý, đây không phải chế độ hàng tháng mà là trong cơn đại dịch, chính quyền TP.HCM dùng ngân sách và huy động nguồn khác để hỗ trợ người dân.
Ngoài những diện hỗ trợ trên, TP.HCM còn có gói cứu trợ các túi an sinh của Trung tâm an sinh TP.HCM và không có điều kiện, chuẩn mực hay ràng buộc. Túi an sinh này gồm nhu yếu phẩm có thể sử dụng trong vòng từ 5 - 7 ngày. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, người khó khăn nhận được túi lần 1 vậy có thể nhận túi lần 2 không và làm cách nào để nhận được?
Trung tâm an sinh TP.HCM cho biết, với trường hợp cấp bách sẽ do Đội SOS của Trung tiếp nhận, hỗ trợ thì thông tin người yêu cầu hỗ trợ vẫn còn lưu lại trên hệ thống. Lúc này, phía quận, huyện, sau một thời gian sẽ đáo vòng lại để xem người dân có thiếu thốn, cần thêm gì. Thông thường người nhận hỗ trợ một lần rồi sẽ biết ai là người đến cho và hỏi ngay người đó. Địa phương sẽ đưa thông tin cho người dân khi xuống hỗ trợ để khi cần hỗ trợ tiếp sẽ gọi họ để cung cấp.