Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trong đó có Điều 80 về hình thức phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, cho phép Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Quy định này thu hút sự quan tâm của nhiều người và có các ý kiến đa chiều. Nhiều người cho rằng, đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Với cơ chế như Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất như, sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm thì sẽ khó khăn về nguồn lực, khó bảo đảm thực hiện được mục tiêu của chính sách.
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam đứng ra để giải quyết các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở lưu trú cho công nhân cũng là việc làm tốt, nhưng thực tế trong cơ chế thị trường, nên mở rộng tới những tổ chức xã hội có đại diện cho công nhân chứ không nên giao duy nhất cho Tổng LĐLĐ.
Nếu muốn triển khai thì Tổng LĐLĐ cũng cần thành lập những doanh nghiệp để phát triển nhà ở chứ đơn vị sự nghiệp thì khó có thể làm được, còn tổ chức xã hội mà cụ thể là tổ chức chính trị xã hội thì không có chức năng kinh doanh. Do đó, Tổng LĐLĐ muốn làm thì cũng nên giao cho một đơn vị doanh nghiệp để thực hiện việc đó, vẫn dưới sự chỉ đạo của Tổng liên đoàn, chủ trương của Tổng LĐLĐ.
“Tôi cho rằng, chức năng giám sát thì vẫn là của Tổng LĐLĐ. Các đơn vị với chức năng khác nhau thì cũng có các đơn vị độc lập chứ không nhất thiết là cùng một ý tưởng. Còn đơn vị doanh nghiệp đứng ra làm, chỉ đạo, xây dựng cụ thể nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thì vẫn cứ thực hiện theo đúng chức năng của mình. Trong trường hợp này tôi nghĩ không có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ bởi vì không phải Tổng LĐLĐ đứng ra làm việc đó mà là các đơn vị của Tổng LĐLĐ đứng ra làm”, GS. Đặng Hùng Võ cho biết.
Ông Đặng Hùng Võ cũng nhận định, Tổng LĐLĐ rất hăng hái trong việc tiếp nhận chức năng này. Tổng LĐLĐ hiện nay đang giữ một nguồn kinh phí khá lớn do các đoàn viên, công đoàn nộp lên từ đồng lương của mình hàng năm. Đó chính là nguồn lực có thể đứng ra để tổ chức xây dựng tạo ra các nhà ở lưu trú thuộc sở hữu của Tổng liên đoàn. Nhưng đối với việc phát triển nhà cho một lực lượng lao động rất lớn hiện nay tại các khu công nghiệp tập trung thì chắc chắn lượng vốn của Tổng liên đoàn cũng không đủ để thực hiện lượng nhà ở lưu trú cho công nhân, nguồn vốn phải lớn hơn nhiều. Vấn đề khó khăn ở đây là Tổng LĐLĐ sẽ giải quyết nguồn vốn như thế nào đối với những doanh nghiệp đứng ra tổ chức nhà ở lưu trú cho công nhân.
“Tổng LĐLĐ lo nhà ở cho công nhân cũng là điều hợp lý, các doanh nghiệp lo cho công nhân của mình cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, đây là bài toán khó và chúng ta phải tìm nhiều nguồn lực để mà phát triển chứ không nên ủy thác cho một bên nào đó. Có rất nhiều khó khăn ở đây, nhiều người bàn nhưng chỉ trên nguyên tắc của vấn đề được hay không được chứ chưa tính đến chuyện sau này vận hành như thế nào. Tôi vẫn đánh giá Tổng LĐLĐ sẽ chỉ làm được một số việc chứ không thể làm được tất cả. Tổng LĐLĐ làm chủ đầu tư thì cũng là có thể thành công, có thể chưa thành công hoặc có thể thành công ở một số dự án này nhưng không thành công ở một số dự án khác. Quan điểm của tôi vẫn là không nên giao toàn bộ và coi đây là nghĩa vụ của Tổng LĐLĐ, nếu làm vậy chắc chắn sẽ thất bại”, ông Đặng Hùng Võ bày tỏ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, việc đề xuất Tổng Liên đoàn là chủ quản đầu tư xây dựng nhà cho người lao động được thuê là một đề xuất rất kiên trì và quyết liệt của tổ chức công đoàn trên cơ sở thực tiễn thực hiện Quyết định 655 của TTCP. Thời gian qua, Tổng LĐLĐ đã thử nghiệm xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có khu nhà dành cho công nhân ở Hà Nam, đến nay, khu nhà ở được đánh giá là chất lượng và được đoàn viên, người lao động rất ủng hộ.
“Chúng tôi nhận thức rằng, với tư cách là đại diện cho người lao động, trước một trong những vấn đề bức xúc của người lao động thì tổ chức công đoàn phải có sự tham gia. Bên cạnh việc đề xuất chính sách cùng với các bộ, ngành để ra đời đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, chúng tôi tiếp tục kiên trì và đến nay Quốc hội đã chính thức thông qua. Để triển khai thực hiện được thì chúng tôi đã có kinh nghiệm về triển khai dự án thiết chế công đoàn”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Cũng theo ông Hiểu, Tổng LĐLĐ có ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, cùng với đó đã có nguồn vốn chuẩn bị cho công đoàn, bây giờ chính thức có chính sách, thời gian tới khi ban hành Nghị định thì sẽ tham gia tích cực để khi có nghị định hướng dẫn cụ thì sẽ thực hiện quyền năng này của mình. Thứ 2, sẽ tiếp tục để thu xếp nguồn vốn, lựa chọn các địa bàn ưu tiên cho những nơi có đông công nhân hoặc những vùng khó khăn. Thứ 3, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của ban quản lý thiết chế công đoàn để đảm bảo cho ban quản lý dự án này thực hiện và sẽ tổ chức nhiều dự án hơn là những dự án thí điểm. Cuối cùng, sẽ phối hợp tích cực với các địa phương để đảm bảo cho nguồn đất đai cần thiết, đảm bảo có địa điểm có thể tổ chức xây dựng được.
“Khi chính sách vừa ra đời chúng tôi mới có định hướng kế hoạch chứ chưa có kế hoạch cụ thể. Điều này cần phải cân nhắc, ví dụ, bối cảnh thu tài chính năm nay như thế nào, dự báo khó khăn của người lao động thời gian tới ra sao để cân nhắc kết quả. Quan điểm của chúng tôi là dù có xây dựng thiết chế công đoàn nhưng vẫn phải tập trung vào nhiệm vụ đầu tiên là chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm.