Gia đình bà Nguyễn Thị Phơn, ở tổ 3 thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana có 3 ha đất trồng hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, và 13 ha đất ruộng lúa nước. Với 13 ha đất ruộng, những năm gần đây, bà Phơn chỉ sạ một vụ lúa, vụ còn lại bà trồng khoai lang Nhật Bản. Với cách canh tác này, hiệu quả kinh tế gấp đôi so với làm 2 vụ lúa trước kia. Hiện tại bà Phơn đang nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 tỷ đồng, số tiền này chủ yếu đầu tư mua giống và phân bón cho cây trồng.
Năm nay, giá vật tư phân bón tăng cao, có loại như phân đạm u-rê đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Vậy nhưng sản phẩm nông nghiệp lại hạ giá và khó tiêu thụ. Bà Phơn cho biết, gia đình cũng đã được ngân hàng thông báo giảm 10% lãi suất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo bà Phơn, làm nông nghiệp theo quy mô sản xuất hàng hóa trong giai đoạn này rất khó khăn.
“Thuê nhân công lao động là không được tập trung đông người. Mà hiện tại, ruộng rẫy gia đình nhà tôi làm với số lượng cũng nhiều. Nhiều lúc phải thuê nhân công lên đến ba, bốn chục người một lúc. Dịch bệnh như vậy cũng gây khó khăn do lao động khi đi làm thì không tập trung đông được, do lo sợ về bệnh dịch”, bà Phơn than thở.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Krông Ana liên tiếp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Các hộ kinh doanh, đơn vị sản xuất ngưng trệ, lao động thiếu việc làm. Nhiều gia đình lại thêm gánh nặng con em đi lao động nơi khác dồn về tránh dịch. Thế nhưng 60 lao động của Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ Nam Hà, xã Ea Bông, huyện Krông Ana vẫn có việc làm bình thường.
Ông Trần Văn Thương, Giám đốc công ty cho biết, lương của mỗi lao động vẫn đạt từ 10 đến 11 triệu đồng/tháng. Nhưng trong tháng 8 vừa qua, do các công trình xây dựng tạm ngưng hoạt động nên Công ty Nam Hà ứ đọng hơn 1,5 triệu viên gạch. Khó khăn, nợ nần hiện ra trước mắt. Duy trì sản xuất và đảm bảo tiền lương kịp thời cho người lao động trong giai đoạn này là điều nan giải.
“Tôi vay mượn ngân hàng với số vốn tương đối cao. Ngân hàng có ưu đãi, đã giảm cho doanh nghiệp một phần lãi suất rồi. Nhưng bây giờ doanh nghiệp cũng khó khăn về vấn đề giao dịch, thì ngân hàng xem xét thêm có thể gia hạn, hoặc giảm bớt đi một chút lãi suất cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì để đảm bảo công ăn việc làm cho anh em lao động”, ông Trần Văn Thương nói.
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Thông Phát của vợ chồng ông Đinh Văn Kháng có một khách sạn tại vị trí đắc địa ở đường Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột. Trước kia, khách thập phương đến đi tấp nập. Nhưng hàng tháng nay, khách sạn chỉ duy trì mấy nhân viên gác cửa. Ông Kháng đánh giá rất cao động thái hạ lãi suất của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở Hoà Thắng, nơi ông đang nợ 6 tỷ đồng.
“Từ khi dịch, đối với doanh nghiệp khách sạn thì lượng khách từ các tỉnh ít về, cho nên về hoạt động kinh doanh rất khó khăn vì lượng khách hầu như không có. Bên ngân hàng đã có sự ưu ái rất tuyệt vời, ngân hàng có thông báo cho doanh nghiệp là được giảm lãi suất 10% trên tổng số vay”, ông Đinh Văn Kháng chia sẻ.
Ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp Phát triển Nông thôn Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, thời điểm hiện tại ngân hàng đã điều chỉnh lãi cho trên 50.000 khách hàng với dư nợ 12.400 tỷ đồng, giảm 10% cho vay trên tất cả các hợp đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn dành 30.000 tỷ đồng tín dụng cho các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất 7%/năm. Thời gian qua, công tác an sinh xã hội cũng luôn được ngân hàng triển khai thiết thực, đã hỗ trợ chính quyền trên 5 tỷ 400 triệu đồng, trong đó hỗ trợ bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột 1 xe cứu thương, và các thiết bị y tế trị giá 2 tỷ 950 triệu đồng.
Ông Vương Hồng Lĩnh cho biết, trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng, Agribank chi nhánh Đắk Lắk đã có một số vướng mắc, đó là: xác định mức độ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 để căn cứ cơ sở miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng thì đang còn lúng túng, thiếu cơ sở để căn cứ cho chính xác. Thứ hai, nợ xấu của Agribank chi nhánh Đắk Lắk sẽ tiếp tục gia tăng, do nguồn lực của khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19.
“Chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng để tháo gỡ cho khách hàng trả nợ đỡ khó khăn hơn, một cách dễ hơn. Bên cạnh đó, xem xét, điều chỉnh Thông tư 03 năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước về xem xét các khoản giải ngân sau 10/6/2020 cho khách hàng, để khách hàng có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn”, ông Vương Hồng Lĩnh kiến nghị.