Mặc dù NHNN tích cực triển khai các giải pháp nhằm giải quyết nút thắt nợ xấu, tháo gỡ khó khăn tín dụng, tuy nhiên tình hình thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Số liệu do Vụ Tín dụng NHNN mới đây cho thấy, dư nợ cho vay của toàn hệ thống NHTM đến ngày 19-2 tiếp tục âm 0,16% so với cuối năm 2012. Trong bối cảnh đó, các NHTM đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu, thông qua các gói tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Kỳ vọng nguồn vốn giá rẻ
Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã công bố gói tín dụng ưu đãi với tổng trị giá giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng dành cho DNNVV. Không phải là ngân hàng đầu tiên tung gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2013, nhưng việc đưa ra các chương trình ưu đãi ngay sau Tết Nguyên đán của MB được kỳ vọng khởi đầu năm mới với nhiều chương trình hạ lãi suất được triển khai hơn.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo các ngân hàng như Sacombank, Eximbank, OCB, ACB, DongABank… đều cho biết sẽ dành lượng vốn ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường để hỗ trợ khách hàng DNNVV, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Khách hàng giao dịch tại MB. Ảnh: C.THĂNG |
Nỗ lực giảm lãi suất cho vay xuống mức cạnh tranh để tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định nhằm mục đích đưa nguồn vốn vào phục vụ sản xuất kinh doanh là cách nhiều NHTM đang thực hiện. Giải pháp này mang lại nhiều lợi ích, một mặt giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng, mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp chi phí, đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho, tạo thêm việc làm, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh dài hạn.
Ở góc độ vĩ mô, việc cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho DNNVV góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua việc giảm chi phí đầu vào giảm giá thành đầu ra của sản phẩm.
Lý giải về dòng vốn tập trung cho DNNVV, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng chia sẻ trong bối cảnh rủi ro nợ xấu đang có xu hướng tăng cao, các NHTM sẽ phải cấu trúc lại đối tượng khách hàng, việc ưu tiên tín dụng giá rẻ cho khách hàng DNNVV là điều tất yếu.
Bởi, đối tượng khách hàng này hạn mức cho vay không lớn, nguồn thu dịch vụ thanh toán từ hoạt động tín dụng cũng không cao, nhưng bù lại đây là phân khúc khách hàng thường xuyên khát vốn. Hơn nữa, các DNNVV rất linh hoạt, dễ thích ứng với biến động thị trường, vượt qua khó khăn nhanh chóng trong hoạt động kinh doanh, vòng quay vốn nhanh nên các NHTM yên tâm tín dụng an toàn và hiệu quả hơn.
Cơ hội cho doanh nghiệp nào?
Gói hỗ trợ mới của MB áp dụng mức lãi suất thấp nhất 9,99%/năm, kéo dài từ ngày 22-2 đến 31-3-2013. Nếu so với mặt bằng lãi suất huy động 8%/năm, lãi suất MB đang áp dụng chỉ hưởng chênh lệch chưa đến 2% - mức cần thiết đảm bảo chi phí hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Lãi suất này tương đối thấp so với mức 13%/năm phổ biến trên thị trường. Việc tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng ngay sau gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng vừa kết thúc nhằm tạo chuỗi hỗ trợ mang tính liên tục cho doanh nghiệp, giúp tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh. Đây cũng là nhóm đối tượng nằm trong diện ưu tiên cung cấp tín dụng theo chỉ đạo của NHNN. | |
Ông ĐINH NHƯ TUYNH, |
Dù sẽ triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp, nhưng các ngân hàng khá thận trọng lựa chọn khách hàng để hạn chế rủi ro nợ xấu, nhất là khi chỉ số này tăng mạnh trong năm 2012.
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng chặt chẽ so với Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ trước đây. Mặc dù Thông tư 02 đến tháng 6-2013 mới có hiệu lực nhưng quy định này buộc các NHTM phải cẩn trọng hơn trong cho vay, trong đó phải xếp hạng tín dụng, kỹ càng chọn lọc hồ sơ cho vay do lo ngại nợ xấu gia tăng, trích lập dự phòng theo quy định mới sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Như vậy, không phải tất cả doanh nghiệp mà chỉ những đơn vị nào thể hiện được tiềm lực phát triển, có chiến lược phát triển rõ ràng mới có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này. Đây là xu thế tất yếu khi nợ xấu đang trở thành “vấn nạn” của nền kinh tế.
Đại diện của MB cho biết, gói tín dụng lãi suất từ 9,99%/năm trở lên của MB áp dụng với các khách hàng DNNVV có tín dụng loại A, không có nợ xấu tại thời điểm giải ngân; áp dụng với khách hàng cũ và khách hàng mới theo chương trình Ngân hàng Cộng đồng dành cho DNNVV.
Câu chuyện kích thích tín dụng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thấp, hàng tồn kho tăng cao, khả năng quay vòng vốn của doanh nghiệp chậm lại, trong khi nợ xấu tăng đang trở thành bài toán khó cho cả ngân hàng, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.
Dưới góc độ tổ chức chịu trách nhiệm tái cấp vốn cho thị trường, nhiều NHTM đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay về mức thấp nhất có thể. Nút thắt nợ xấu cũng được các NHTM tích cực xử lý qua việc tăng trích lập dự phòng rủi ro, tuân thủ nghiêm phân loại nợ…
Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, tái cơ cấu để kiện toàn hoạt động quản lý, kiểm soát trong hệ thống, các nhà băng cũng nên đưa ra các giải pháp hỗ trợ đồng bộ hơn cho doanh nghiệp, giúp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cụ thể như các giải pháp giúp tăng cường năng lực quản lý tài chính; nâng cao hiệu quả đồng vốn; thẩm định tính khả thi trong các dự án kinh doanh…
Hướng đi này đang được một số ngân hàng áp dụng tương đối thành công trong năm 2012. Đại diện MB cho biết, một trong những cơ sở để ngân hàng này đạt mức tăng trưởng tín dụng 27% trong năm 2012 là nhờ triển khai các chương trình hỗ trợ đồng bộ cho nhóm khách hàng cụ thể. Đối với DNNVV, MB tập trung tư vấn, cung cấp gói sản phẩm dựa trên đặc thù mỗi doanh nghiệp, đặc thù ngành nghề, địa lý và chuỗi phân phối.
Dựa trên các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cơ bản, MB chọn lọc, cấu trúc lại dựa theo yêu cầu từng nhóm khách hàng cụ thể, với mức giá trọn gói hợp lý, nhằm tối đa hóa hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, MB cũng chọn lọc ưu tiên những doanh nghiệp có tiềm năng, có đầu ra trong sản xuất kinh doanh trong thời gian tới và nỗ lực cùng ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ vốn giá rẻ cho doanh nghiệp còn phụ thuộc vào tiềm lực, chiến lược phát triển của các ngân hàng.
Tuy nhiên, với việc các ngân hàng tung ra nhiều gói hỗ trợ tín dụng ngay sau Tết Nguyên đán - vốn là thời điểm trầm lắng của thị trường tài chính ngân hàng - mang lại nhiều tín hiệu tích cực hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2013.