Hà Nội: Công khai mua bán, sang nhượng đất rừng

(ĐTTCO) -Tại huyện Sóc Sơn và huyện Ba Vì, ngoài tình trạng đất rừng, đất nông nghiệp bị lấn chiếm xây dựng các công trình vi phạm thì việc mua bán, chuyển nhượng đất đai tại khu vực này cũng đang diễn ra rất phức tạp.
Hà Nội: Công khai mua bán, sang nhượng đất rừng

Đất gì cũng mua bán

Trong vai khách đi tìm mua đất làm homestay, trang trại ở phía Tây Hà Nội, chúng tôi tìm về các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai. Tại những địa bàn này, số chủ đất rao bán, chuyển nhượng lại các dự án đã đầu cơ, các khu đất “trót ôm” vào thời gian trước rất nhiều.

Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi đã liên lạc được với một môi giới có tên là N.T.T., chuyên môi giới bất động sản khu vực Hòa Lạc, Sơn Tây, Ba Vì. T. dẫn chúng tôi đến một quả đồi rộng gần 10.000m2 ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, cách chân núi Ba Vì khoảng 5km, cách cổng Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam khoảng 1km. Cả khu đồi đã được xây tường bao quanh, phía trong trồng rất nhiều cây ăn quả, xây dựng bể bơi, nhà 3 tầng như một biệt thự.

Theo lời T., do chủ đất vỡ nợ nên giờ cần bán lại với giá khoảng 20 tỷ đồng, có thương lượng. Dù vậy, khi hỏi đến sổ đỏ và các giấy tờ liên quan thì môi giới T. lại thú thực: “Trên sổ sách chỉ có hơn 5.000m2, còn lại là nằm ngoài sổ. Nhưng các anh yên tâm là sử dụng và xây dựng thoải mái, không vướng mắc gì về thủ tục”.

Trong khi đó, tại khu vực xã Yên Bài, huyện Ba Vì, chúng tôi được “cò” đất tên P. giới thiệu một mảnh đất rộng hơn 1.200m2 có hướng nhìn ra cánh đồng và núi Ba Vì với giá 3,5 tỷ đồng. Theo P. giới thiệu, đây là mảnh đất đẹp, hiếm có vì chủ đất là người địa phương, còn các mảnh khác ở khu vực này đều đã mua đi bán lại vài đời chủ nên giá bị “ngáo”. Trong 1.200m2 của mảnh đất này có 300m2 là đất ở, số còn lại là đất vườn trồng cây lâu năm nên xây dựng công trình... vô tư.

“Thời điểm này không phải là lúc mua đi bán lại “như rau như cỏ” trước đây, mà phải xác định đầu tư vài năm. Mảnh này, chúng em rao bán đảm bảo pháp lý và giá đã xuống nhiều so với trước, nếu anh thích nên chốt sớm không lại tiếc”, P. gợi ý và khẳng định các loại giấy tờ pháp lý liên quan tới mảnh đất muốn thế nào cũng làm được.

“Việc ra sổ, hay xây dựng không mấy quan trọng, chúng em sẽ lo từ A đến Z. Ở đây có những lô đất nông nghiệp, hay đất rừng còn lên được sổ hồng, nhưng phải có thời gian”, P. quảng cáo. Tiếp tục tìm hiểu một số thửa đất nằm sát Vườn Quốc gia Ba Vì, chúng tôi được một vài người môi giới chào giá từ 3-3,5 triệu đồng/m2 và không thể có giá thấp hơn, do khu vực này địa thế đẹp để xây khu nghỉ dưỡng!

Qua ghi nhận thực tế, tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng diễn ra khá phức tạp. Nguyên nhân do nhiều thửa đất trước đây mua đi bán lại, chủ đất mở rộng diện tích (ghép thửa) nhưng chỉ mua bán với nhau bằng giấy tờ viết tay.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mở rộng diện tích theo kiểu khai hoang, lấn chiếm hoặc biến đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ (hoặc ghép thửa) vào thành đất ở, đất trồng cây lâu năm đã có sổ đỏ, dẫn đến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc cấp chứng nhận quyền sở hữu và quản lý đất đai tại địa phương, vì tình trạng các loại đất ở, đất rừng, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm chồng lấn nhau.

Một người dân ở xóm Đồng Bèn, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, nhiều người ở địa phương khác đã về đây mua đất. Không biết họ mua làm gì, cứ lên tít lưng chừng núi, hay mua cả quả đồi trồng cây của bà con rồi làm nhà ở”.

Nhiều quả đồi sau khi được mua lại thì bị chặt cây cối, thuê máy xúc san gạt dẫn đến tình trạng bị cạo trọc. Khi có mưa lớn, nước từ phía trên chảy xuống, cuốn theo bùn đất, sỏi đá vào ruộng nương và nhà dân.

Lãnh đạo địa phương né tránh

Trở lại khu vực huyện Sóc Sơn, chúng tôi được một số “cò” đất ở xã Minh Phú giới thiệu vài thửa đất được cho là có địa thế đẹp để kinh doanh, đầu tư. Theo các môi giới này, sau vụ việc nhiều ô tô bị đất đá, nước lũ vùi lấp ở khu vực xung quanh hồ Ban Tiện, xã Minh Phú vào đầu tháng 8 thì giá đất khu vực 2 xã Minh Trí và Minh Phú đã hạ ở mức rất thấp và đây là lúc phù hợp để đầu tư đất sẽ có lợi nhuận.

Giới thiệu cho chúng tôi thửa đất khoảng 3.000m2 tại xã Minh Phú của một gia đình đang cần bán, một “cò đất” có tiếng ở đây với biệt danh Dũng “đen” khẳng định, thửa này chưa có sổ đỏ nhưng có chứng nhận của xã về đo đạc bản đồ địa chính và đóng thuế sử dụng đất hàng năm nên hoàn toàn có thể làm được sổ đỏ. “Giá bây giờ là 3 triệu đồng/m2 nhưng khi làm xong sổ đỏ thì phải gấp 3-4 lần nên đầu tư dài hạn là chắc thắng”, Dũng trấn an.

Đồng thời Dũng cũng khuyến cáo, đối với khu vực hồ Đồng Đò, xã Minh Trí dù đẹp hơn ở xã Minh Phú nhưng hiện nay không nên đầu tư, vì tất cả đất ở khu vực đó vẫn chưa có pháp lý rõ ràng. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch đo đạc, xác định lại mốc giới giữa đất rừng phòng hộ, đất khai hoang và đất ở nên tất cả đất bán tại đó đều không có giấy tờ. Do vậy, khi mua đất đầu tư quanh hồ Đồng Đò là mạo hiểm.

Để làm rõ hơn về việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng, đất nông nghiệp và việc nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay tồn tại lâu nay tại những khu vực rừng, đồi núi ở quanh hồ Ban Tiện, xã Minh Phú, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú, nhưng ông Lưu cho biết, việc này không phát ngôn được và đề nghị tìm gặp chủ tịch xã.

Sau nhiều lần liên hệ, ông Nguyễn Huy Du, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, lại đề nghị phóng viên gặp bà Nguyễn Thị Thu Huyền là cán bộ trật tự xây dựng của xã Minh Phú để được cung cấp thông tin. Tuy nhiên, gặp chúng tôi, bà Huyền chỉ thông tin chung chung, chưa thể hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý các công trình vi phạm về trật tự xây dựng và đất đai.

“Hiện xã đang thực hiện sự chỉ đạo của huyện Sóc Sơn và tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các trường hợp vi phạm như phản ánh”, bà Huyền cho biết và từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới quy trình kiểm tra, xử lý và trách nhiệm của cán bộ địa phương trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Các tin khác