Nguồn cung nhà ở trên cả nước khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc trung-cao cấp; nhà ở cho người thu nhập thấp còn rất thiếu, cơ cấu sản phẩm bình dân giảm dần từ 20% trong năm 2019 xuống dưới 5% ở năm 2022 với số lượng dự án triển khai rất hạn chế.
Tại Hà Nội, lượng sản phẩm được chào bán hiện tập trung chủ yếu ở các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây, còn các dự án mới được chấp thuận không nhiều, chỉ một vài dự án đấu giá đất quy mô nhỏ.
Cả năm 2022, Hà Nội chỉ có hơn 12.600 căn hộ mới được chào bán ra thị trường - mức thấp nhất 8 năm qua, nhưng lại có hơn 80% căn hạng B với giá bán sơ cấp trung bình gần 47 triệu đồng/m2. Đặc biệt, loại hình nhà ở xã hội giảm tới 25% số lượng căn hộ đưa ra thị trường và tổng diện tích sàn giảm 55% so với năm 2021.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng chục người dân xếp hàng cả đêm ngày 11/5/2023 - ngày cuối cùng chủ đầu tư tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dự kiến có hàng nghìn người nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở dự ân này trong khi chỉ có 225 căn hộ bán và cho thuê...
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, quý 1 vừa qua, thị trường căn hộ tại Hà Nội vẫn tiếp tục khan hiếm khi nguồn cung sơ cấp giảm 4% theo quý và theo năm, đạt hơn 19.480 căn. Trong đó, nguồn cung mới chỉ đạt hơn 2.040 căn hộ đến từ 2 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án, giảm 30% theo quý và 27% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 52 triệu đồng/m2, ổn định theo quý và tăng 22% theo năm.
"Tình trạng mất cân đối nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra. Người dân chủ yếu tìm mua căn hộ hạng C vừa khả năng tài chính nhưng trên thị trường hiện nay lại chủ yếu căn hộ hạng B. Việc thiếu hụt nguồn cung về nhà ở có khả năng dẫn tới những vấn đề liên quan tới an sinh xã hội," bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định.
Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2023 triển khai xây dựng khoảng 7 triệu m2 sàn nhà ở, nâng diện tích nhà bình quân đầu người đạt 28,2 m2/người.
Cụ thể, thành phố dự kiến đạt 4,5 triệu m2 nhà ở riêng lẻ; 2,465 triệu m2 nhà ở theo dự án; 2,339 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.
Để đạt được kế hoạch đề ra, Hà Nội sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu có cơ chế, chính sách để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án phát triển nhà ở chậm triển khai; đưa ra chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, quy hoạch chi tiết các khu nhà ở xã hội độc lập và dự án nhà ở công nhân; nghiên cứu sử dụng hiệu quả tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sau khi có hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Cùng đó, tiếp tục đôn đốc tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư đang triển khai, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách để đưa vào sử dụng.
Thành phố sẽ làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư không tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết xử lý, thu hồi dự án chậm triển khai.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận khẩn trương hoàn thành di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp D và đề xuất danh mục các nhà chung cư có điều kiện thuận lợi và khả thi cho việc triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tập trung triển khai, hoàn thành việc kiểm định chung cư cũ, lập quy hoạch chi tiết, nhất là các khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 và theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội.