Theo đó, UBND TP Hà Nội giao UBND các quận huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 12-10.
Trong quá trình triển khai, chủ động phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan trong ngành đường sắt để thực hiện có hiệu quả, xử lý dứt điểm các vi phạm. Đồng thời, giao Sở GTVT Hà Nội đôn đốc việc thực hiện của UBND các quận huyện, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND TP Hà Nội theo quy định trước ngày 12-10.
Qua tìm hiểu, tình trạng lấn chiếm, xâm phạm hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường sắt ở Hà Nội đã diễn ra nhiều năm nay, tập trung chủ yếu tại khu vực các quận nội thành gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng. Trong đó, đoạn đường sắt chạy qua khu vực các phố: Lê Duẩn, Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến, Cửa Nam, Trần Phú, Phùng Hưng là những “điểm nóng” nhất.
Tại các khu vực này, nhiều hộ dân sống dọc 2 bên đường sắt đã tự ý mở ra hàng trăm quán cà phê, thu hút rất đông du khách nước ngoài và các bạn trẻ. Khách tới đây không chỉ để uống cà phê mà còn là nơi để chụp hình mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Rất nhiều quán cà phê tại đây kê bàn ghế ra sát mép đường ray để phục vụ khách hàng, thậm chí một số nơi còn để khách hàng ngồi uống cà phê ngay trong lòng đường ray, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Trả lời câu hỏi về những địa điểm thu hút khách du lịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ như quán cà phê đường tàu ở Hà Nội, Chánh văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL Nguyễn Thái Bình bày tỏ quan điểm không ủng hộ những điểm du lịch tự phát, mất an toàn: “Tuy cà phê đường tàu là địa điểm thu hút đông khách du lịch, trong đó có cả du khách quốc tế nhưng cần đảm bảo an ninh, an toàn giao thông”.