Con số khiêm tốn này càng kéo dài thêm sự bất an của những người dân trong những toà xuống cấp nghiêm trọng.
Trả lời kiến nghị của cử tri về tiến độ cải tạo chung cư cũ, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, triển khai Nghị định số 69 của Chính phủ về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, UBND Thành phố đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Trong tổng số 1579 tòa chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội thì có khoảng 40 nhà tập thể, chung cư cũ ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm như tại Khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai… Đây là những dãy nhà đã được báo động mất an toàn, nguy cơ đổ sập vào bất cứ lúc nào, cấp bách cần được sửa chữa.
Ông Trần Văn Xuân, người dân Khu tập thể Tân Mai, Hoàng Mai búc xúc: “Chúng tôi rất lo lắng khi ở trong toà nhà xuống cấp. Chúng tôi mong muốn thành phố đẩy nhanh việc cải tạo”.
Sau 30 năm sử dụng, khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai đã xuống cấp nghiêm trọng, với nhiều toà nhà phải “chống kèo gác cột”, đặc biệt là tại toà nhà A7 sụt lún, nứt nẻ nghiêm trọng. Cũng được liệt vào danh sách cấp độ D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay), Khu tập thể 51 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa nhiều năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân ở đây, “điểm đen đô thị” giữa trung tâm thành phố văn minh, hiện đại.
Việc cải tạo, xây dựng mới các khu tập thể cũ thời gian qua diễn ra ì ạch do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng.
Ông Nguyễn Thao Hùng, Chủ tịch UBND phường Trung Liệt, quận Đống Đa cho biết: “Phường Trung liệt có một số khu chung cư xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước đã xuống cấp như khu E1, E2, E3 Tập thể Vĩnh Hồ…”
Để “gỡ vướng” thực trạng cải tạo nhà chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy định quy gom tái định cư; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các cũ chung cư. Kế hoạch dự kiến chia 4 giai đoạn, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc… và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp; xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
“Cải tạo chung cư cũ là nhu cầu rất bức bách của người dân. Chúng ta cũng nhìn thấy những chung cư cũ đang là những công trình làm xấu hình ảnh Thủ đô’ - ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu ý kiến.
Tại kỳ họp thứ 2, khóa 16, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Thành phố Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng kiểm định, rà soát thực trạng chưng cư cũ, nhất là đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.