Hà Nội Không vay ODA làm đường sắt đô thị

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, và TPHCM sử dụng vốn vay ODA đang đội vốn cả ngàn tỷ đồng, Hà Nội mới đây đã đề xuất Thủ tướng không sử dụng vốn vay ODA để xây dựng ĐSĐT. Nếu được Thủ tướng chấp thuận ưu tiên đầu tư, 3 dự án ĐSĐT của Hà Nội sẽ được báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Huy động vốn đầu tư tư nhân
3 dự án ĐSĐT Hà Nội đề xuất ưu tiên đầu tư trong giai đoạn từ nay đến 2025 bằng nguồn vốn trong nước, gồm tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.
Đáng chú ý, dự án ĐSĐT ga Hà Nội - Hoàng Mai dự kiến được đầu tư trong giai đoạn 2019-2024, chiều dài tuyến 8,7km, phần đi ngầm trong lòng đất 8,13km, có tổng mức đầu tư khoảng 42.880 tỷ đồng. Trước đây Hà Nội đã sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để nghiên cứu lập dự án đầu tư, nhưng đến nay đề xuất không tiếp tục vay vốn để thực hiện dự án.
 Hiện nay các dự án sử dụng vốn ODA rất đắt đỏ do vay lãi suất cao, các nhà thầu chính và thầu phụ đều của nước ngoài. Xây dựng công trình xong, các DN, nhà thầu nội không học hỏi được gì. Vì thế, việc Hà Nội thay đổi vay vốn ODA chuyển sang kêu gọi tư nhân trong nước làm ĐSĐT là tư duy mới, cần được nhân rộng. 
GS.TSKH NGUYỄN MẠI, 
Chủ tịch Hiệp hội DN FDI
Thay vào đó, Hà Nội dự kiến huy động khoảng 29.740 tỷ đồng vốn tư nhân trong nước thông qua hình thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng (BT) để xây dựng nhà ga, depot, hầm, đường ray.
Nguồn ngân sách TP đầu tư dự án khoảng 13.140 tỷ đồng, được sử dụng cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, mua sắm đầu máy, toa xe, trang thiết bị, hệ thống an toàn, an ninh, và chương trình quản lý vận hành.
Lý do Hà Nội đề xuất Thủ tướng không tiếp tục sử dụng vốn vay ODA để thực hiện dự án đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai do bối cảnh nợ công tăng cao, tỷ giá giữa USD và VNĐ dự kiến tiếp tục tăng, làm chi phí vay ODA tăng cao. Hà Nội cũng khẳng định việc sử dụng vốn ngân sách kết hợp huy động vốn đầu tư tư nhân để thực hiện dự án ga Hà Nội - Hoàng Mai, thông qua hợp đồng BT hiệu quả hơn so với sử dụng vốn vay ODA, tiến độ thực hiện dự án theo các quy định của pháp luật Việt Nam sẽ nhanh hơn.
Đồng thời, với tổng giá trị cung cấp các gói thầu đầu máy, toa xe, trang thiết bị cho các dự án trên 2 tỷ USD, các nhà cung cấp sẽ phải xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại chỗ để cung cấp các dịch vụ bảo hành, bảo trì, sửa chữa. Nhờ vậy, sẽ phát triển thị trường lao động trong nước, nâng cao năng lực, trình độ tay nghề cho lao động và tạo việc làm.
Hà Nội Không vay ODA làm đường sắt đô thị ảnh 1 Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng không sử dụng vốn vay ODA để xây dựng ĐSĐT. 
Cần 7.700ha đất để thực hiện
Tổng mức đầu tư 3 dự án ĐSĐT theo tính toán khoảng 137.558 tỷ đồng. Hà Nội dự kiến huy động 95.928 tỷ đồng vốn tư nhân, phần vốn còn lại, 41.630 tỷ đồng được huy động từ nguồn ngân sách TP.
Trong 3 tuyến ĐSĐT, 2 tuyến Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (5,96km) và Văn Cao - Hòa Lạc (38,4km) được đề xuất cho Tập đoàn Vingroup thực hiện. Tuyến còn lại Hà Nội - Hoàng Mai đến nay vẫn chưa xác định rõ nhà đầu tư thực hiện. Để thực hiện 2 tuyến ĐSĐT, dự kiến Vingroup sẽ phải bỏ ra khoảng 66.188 tỷ đồng. 
Về phần vốn đầu tư từ ngân sách, Hà Nội đã lên kế hoạch huy động từ các nguồn tăng thu trong 8 năm tới khoảng 12.000 tỷ đồng; thu từ cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 khoảng 20.000 tỷ đồng; thu từ bán nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung tại 2 khu vực Vân Hồ, Võ Chí Công, khoảng 8.000 tỷ đồng; thu từ đấu giá đất khoảng 15.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu khoảng 10.000 tỷ đồng. Tổng vốn huy động từ ngân sách để thực hiện 3 dự án này khoảng 65.000 tỷ đồng.
Quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư BT thực hiện 3 dự án là 1.340ha đất, tại 16 dự án trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín. Trong đó có một số khu đất có giá trị cao như khu đô thị khoa học, công nghệ, tài chính Tân Tạo - Hanel (270ha); khu Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (49ha); khu Tàm Xá, huyện Đông Anh (300ha).
Ngoài ra, Hà Nội sẽ rà soát các khu đô thị quy mô trên 10ha tại các quận, huyện, với tổng diện tích 6.352ha để bổ sung cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo vốn đầu tư các tuyến ĐSĐT. Như vậy, tổng diện tích đất đưa vào kế hoạch cho 3 dự án là gần 7.700ha đất. Dự tính, giá trị quỹ đất đối ứng cho các dự án đường sắt đô thị đầu tư theo BT khoảng 98.000 tỷ đồng.

Các tin khác