Không gian xanh là một phần quan trọng giúp điều hòa không khí, bảo vệ môi trường sống. Thế nhưng, trước sức ép gia tăng dân số, hạ tầng đô thị mọc lên như nấm đã khiến “mảng xanh” ở nhiều khu vực Hà Nội suy giảm nghiêm trọng. Thậm chí, một số nơi, không gian xanh còn biến thành nơi sản xuất kinh doanh trái phép.
Đơn cử như khu vực phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), trong khi người dân đang bế tắc vì thiếu không gian xanh, thì một số khu đất xen kẹt đã được Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình quy hoạch làm dự án đường giao thông nội bộ, dự kiến xây vườn hoa, cây xanh lại đang phải nhường chỗ cho các hộ tư nhân làm chỗ đỗ xe ôtô; buôn bán phế liệu trái phép, gây ô nhiễm môi trường, khiến dân bức xúc.
Tư nhân “ẵm” đất, dân thiếu không gian xanh
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, phường Vĩnh Phúc có diện tích khoảng 73 hécta đất tự nhiên, được chia tách từ một phần đất và dân cư các phường Cống Vị, Ngọc Hà và Ngọc Khánh thuộc quận Ba Đình, từ năm 2005.
Với diện tích địa giới hành chính trên, sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, phường Vĩnh Phúc đã trở nên chật hẹp, bức bí do tốc độ đô thị hóa quá nhanh cùng với sức ép gia tăng dân số. Đến nay, trên địa bàn này đang rất thiếu không gian cây xanh, mặt nước, không gian công cộng...
Theo chia sẻ của một cán bộ đang công tác tại phường Vĩnh Phúc, trong bối cảnh đất chật người đông hiện nay, việc bố trí được một khu không gian xanh - “lá phổi” cho cộng đồng dân cư trên địa bàn là điều rất khó! “Đến chợ là nhu cầu tối thiểu còn không có thì lấy đâu ra đất để làm không gian xanh,” vị cán bộ này giãi bày.
Thế nhưng, ghi nhận thực tế của người viết tại ngõ 376 đường Bưởi cho thấy có những khu đất xen kẹt, lý tưởng để làm “không gian xanh” đã bị các nhóm tư nhân mua bán trao tay, làm nơi kinh doanh gây ô nhiễm trong suốt nhiều năm.
Trong đơn kêu cứu gửi tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, cư dân sinh sống tại ngách 19, ngõ 376 đường Bưởi cho biết từ trước năm 2014, môi trường ở đây rất đáng sống.
Thế nhưng, những năm gần đây, khu đất dự kiến xây dựng đường giao thông nội bộ, vườn hoa, cây xanh trên đã bị một số hộ biến thành nơi kinh doanh buôn bán phế liệu. Thậm chí, có hộ còn lấn chiếm hành lang con kênh và xả thải ra dòng sông.
Đặc biệt, theo phản ánh của người dân, ngoài việc gây mất trật tự, nhiều năm qua, các hộ sản xuất kinh doanh còn thường xuyên lấn chiếm lòng đường gây ắch tắc và xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan của phường Vĩnh Phúc.
“Trong trường hợp cháy nổ khẩn cấp, các xe phòng cháy chữa cháy không thể vào được do các loại xe tải vận chuyển rác thải liên tục án ngữ. Việc kinh doanh phế liệu nhiều khi có các loại hóa chất còn dư thừa trong các can nhựa rất độc hại và chưa có người quản lý,” đơn kêu cứu của người dân nhấn mạnh.
Trước thực trạng nêu trên, người dân ngách 19, ngõ 376 đường Bưởi đã làm đơn kêu cứu, khẩn thiết đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình chỉ đạo kiểm tra, sớm tổ chức việc di chuyển các hộ kinh doanh rác thải, phế liệu ra khỏi địa bàn để đảm bảo môi trường sống, an toàn cho khu dân cư.
Chính quyền cơ sở cam kết sẽ vào cuộc xử lý?
Mang câu chuyện trên tới gặp lãnh đạo chính quyền địa phương, ngày 20/10, ông Đoàn Trung Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Phúc thừa nhận trên địa bàn đang rất thiếu quỹ đất để làm không gian xanh. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập tới vấn nạn “xẻ thịt” đất xen kẹt để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh buôn bán phế liệu trái phép trong suốt nhiều năm qua tại ngõ 376 đường Bưởi, ông Chiến tỏ ra khá bất ngờ bởi lý do mới đến công tác được hai năm và không thấy nội dung trên nằm trong báo cáo hàng năm nên ông cũng không biết?
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ địa chính phường Vĩnh Phúc cho rằng phần đất tại ngách 19, ngõ 376 đường Bưởi đã được Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường giao thông nội bộ và khớp nối hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn với tổng mức đầu tư hơn 14,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2019-2021.
Quy mô đầu tư của dự án dự kiến sẽ mở đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng vườn hoa, cây xanh và khớp nối hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực, nhằm tránh ô nhiễm môi trường và lấn chiếm đất công trên địa bàn. Thế nhưng, cho đến nay, dự án trên vẫn “dậm chân tại chỗ," chưa thể triển khai được như kỳ vọng.
Điều đáng nói hơn là, trong suốt hơn 13 năm qua, kể từ năm 2007, khi phường Vĩnh Phúc được giao quản lý khu đất xen kẹt trên, một phần diện tích đã bị một số người dân “xẻ thịt,” phân lô để mua bán kinh doanh thông qua giấy tờ mua bán viết tay theo kiểu “trá hình.” Tức là số tiền trên giấy thấp hơn nhiều so với số tiền thực khi hai bên giao dịch.
Đơn cử như trường hợp hộ bà L.T.Đ mua lại khoảng 35m2 phần đất xen kẹt từng được bà N.T.M (xã viên Hợp tác xã Cống Vị) sử dụng, với giá 100 triệu đồng theo “giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất” từ năm 2009. Thế nhưng, số tiền thực tế mà nhà bà Đ khẳng định đã bỏ ra lại gấp đôi (khoảng hơn 200 triệu đồng). Và cũng vì mua bán viết tay nên suốt hơn 11 năm qua, gia đình bà Đ vẫn chưa phải đóng một đồng tiền thuế đất nào.
Tiếp nhận thông tin phóng viên phản ánh, lãnh đạo phường Vĩnh Phúc cho biết sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra và kiên quyết xử lý sai phạm. Với các cơ sở kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm, trước mắt phường Vĩnh Phúc sẽ lập biên bản xử phạt đồng thời vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, đảm bảo môi trường.
“Quan điểm của chúng tôi là rất muốn dự án đường giao thông nội bộ sớm được triển khai và có không gian xanh, đảm bảo về môi trường sống xanh, sạch, đẹp, không ô nhiễm. Do đó, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý,” đại diện lãnh đạo phường Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Theo thống kê của Dự án Thành phố sống tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, hiện nay thành phố Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, nhất là trong khu vực nội thành. Đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng cho biết khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng mọc lên thì diện tích đất dành cho cây xanh hầu như “chỉ có trên bản vẽ.”Hiện nay, tỷ lệ cây xanh tính theo đầu người ở nội đô Hà Nội chưa đến 2m2. |