Sau khi Sở GTVT Hà Nội báo cáo về tiến độ xây dựng đề án thu phí xe cơ giới đi vào nội đô, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu hoàn thiện một số nội dung, trong đó có thời gian, lộ trình thực hiện. Ðáng chú ý, UBND thành phố yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đề án.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) và Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải - Trường Đại học GTVT (đơn vị xây dựng Đề án thu phí vào nội đô) cho biết: Các đơn vị tư vấn đề án cũng đã báo cáo kết quả khảo sát một số bộ phận người dân cho ý kiến về đề án. Đối tượng khảo sát là hành khách đi trên các phương tiện công cộng như xe buýt, BRT và trên hệ thống cổng giao tiếp trực tuyến.
Kết quả khảo sát được HPTC báo cáo, đã có trên 1.000 phiếu khảo sát được phát ra và thu lại. Qua thống kê, phân loại các phiếu khảo sát này, có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo; 27,1% không ủng hộ.
Với các phiếu điều tra xã hội học cho thấy, mức phí mà đối tượng được lấy ý kiến chấp nhận được là 22.300 đồng/lượt xe vào nội đô (mức đề án đưa ra thấp nhất là 50.000/lượt; cao nhất 100.000 đồng/lượt).
Đại diện HPTC cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ yêu cầu Tư vấn mở thêm các kênh khảo sát trực tiếp, gián tiếp đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp từ đề án thu phí. Sau đó sẽ có báo cáo Sở GTVT và thành phố vào dịp cuối năm nay.
Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập 87 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ôtô vào nội đô. Với mức thu phí đề xuất tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ôtô, đề án này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều người cho biết, để có thể sở hữu một chiếc xe ô tô, cho đến khi xe có thể lăn bánh, người dân đã phải chịu rất nhiều loại thuế, phí, giờ lại chịu thêm phí ra vào trung tâm thì chẳng khác nào phí chồng phí.
Giao thông có giảm ùn tắc hay không chưa ai có thể khẳng định, nhưng việc tăng phí chắc chắn tác động tới an sinh, xã hội, giá cả tiêu dùng và cuối cùng, người dân vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
“Nhà tôi ở ngoại thành nhưng vợ chồng tôi đều làm trong quận trung tâm nội đô, thật vô lý khi tôi phải trả phí để hàng ngày đi làm và về nhà mình. Với đề án tốn kém gần 3.000 tỷ đồng như thế mà chỉ để hạn chế xe cá nhân thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Tôi chắc chắn là nhiều người sẽ nghĩ ra cách để đi “chui” vào nội đô, việc này sẽ chỉ thêm hỗn loạn nhiều ngõ ngách”, anh Thịnh ở Gia Lâm nói.
Bên cạnh những ý kiến phản bác gay gắt đề án này, một số người dân cũng tỏ ý ủng hộ. Song, đa số mọi người đều bày tỏ sự trăn trở khi thu phí ôtô sẽ kéo theo nhiều loại chi phí, dịch vụ hàng hoá tăng do cước vận chuyển tăng theo.
TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông và từng có nhiều năm làm việc tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, thu phí vào nội đô chỉ là 1 trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toàn giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô.
Theo TS Phan Lê Bình, nếu khu vực nội đô trong 5 năm hay 10 năm tới vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở giao dịch hành chính, trung tâm thương mại, trường học…thì thành phố có thu phí 30.000 - 50.000 đồng hoặc trên 100.000 đồng thì vì công việc, vì nhu cầu người dân có ô tô vẫn sẵn sàng trả phí để đi lại.
Dù đây chỉ là đề án chưa được thông qua, song đa số người dân được hỏi đều cho rằng, cần có một kế hoạch khác toàn diện hơn để giải quyết vấn đề này, tránh gây ra những tác động đến kinh tế, xã hội.