Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, 9 tháng của năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt là việc làm, đời sống và thu nhập của người lao động.
Song, với sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng hành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân (trong đó có đội ngũ công nhân, viên chức, lao động) để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện. Nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Đời sống, việc làm của người lao động dần đi vào ổn định.
Cùng với việc triển khai thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lao động, Liên đoàn Lao động thành phố chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 75,5%; tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đạt 73,9%... Qua đó, đã phát huy dân chủ, nắm bắt tâm tư, tình cảm và kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô giữ được ổn định. Số vụ tranh chấp lao động tập thể, nghỉ việc tập thể có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện cơ chế ba bên giữa Công đoàn-người sử dụng lao động-người lao động ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn.
Các thiết chế về Hội đồng Quan hệ Lao động, Hội đồng Trọng tài Lao động, Hội đồng An toàn, Vệ sinh Lao động thành phố đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Vai trò đại diện, tham gia quản lý của tổ chức Công đoàn các cấp được khẳng định. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp và đông công nhân, lao động, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 270.000 doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, với 9.208 Công đoàn cơ sở, 664.031 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 470.024 đoàn viên.
Đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Từ ngày 1/1/2023, mức lương tối thiểu tăng gần 6% đã hỗ trợ công nhân giảm bớt khó khăn.
Tuy nhiên, với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của công nhân, lao động; nhất là đối với lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất do tình hình lạm phát, nhiều chi phí tăng cao, như thuê nhà trọ, gửi trẻ, hàng hóa tiêu dùng...
Đáng chú ý, vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng này. Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 165.000 lao động (trên 80% là lao động ngoại tỉnh). Trong khi đó, các dự án nhà ở của thành phố chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu, còn lại hơn 70% đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Do đó, công nhân, lao động mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá phù hợp để an cư, lập nghiệp.
Các công trình phúc lợi công cộng như trường Mầm non công lập còn thiếu; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có. Khối trường Phổ thông Trung học còn ít, cùng với việc chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường công lập đã gây khó khăn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường dân lập với chi phí tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập.
(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Theo Liên đoàn Lao động thành phố, những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tuy nhiên, từ tháng 9/2023, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trở lại. Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp, nhất là ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm quang học…
"Việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm. Lao động phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước. Điều đó cho thấy, thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững," Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh.
Để giảm bớt khó khăn cho người lao động, cùng với việc hỗ trợ tạo việc làm, đẩy mạnh giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/1/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Đoàn viên Công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Theo thống kê, số người tham gia bảo hiểm xã hội của thành phố tăng 7,8% so với năm 2022; trong đó, số người tham gia bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn cao, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến tháng 8/2023, trên 83.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên, với số tiền trên 5.300 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến chế độ chính sách của trên 1,1 triệu lao động.