Nghĩa là, lộ trình bình thường mới đang được mở ra cho người lao động đang tránh dịch ở các địa phương.
Số liệu thống kê mới nhất cho biết, các khu công nghệ ở TPHCM đang thiếu 60.000 lao động, còn các khu công nghiệp ở Đồng Nai và ở Bình Dương chỉ có khoảng 55% lao động quay lại nhà máy. Nguồn lực sản xuất cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang trông chờ đội ngũ lao động để nhanh chóng tái phục hồi sản xuất. Bảng phân loại vùng dịch của ngành y tế đã chia 4 cấp độ rất rõ ràng cho các địa phương. Như ĐBSCL có nhiều tỉnh thuộc vùng cam và vàng, miền Trung và Tây nguyên có nhiều tỉnh thuộc vùng cam. Do vậy, hàng vạn lao động ở miền Trung và Tây nguyên cần được tạo điều kiện thuận lợi để di chuyển đến nơi làm việc.
Có một sự thật là các địa phương vẫn chưa có đủ số lượng vaccine để tiêm cho lực lượng lao động vừa tản cư về quê nhà. Rất nhiều lao động sau khi hồi hương đã không còn thu nhập để sinh sống, rất sốt ruột với khát vọng mưu sinh. Không ai dám chắc khi nào các tỉnh miền Trung và Tây nguyên có khả năng tiêm đủ 2 mũi vaccine cho đối tượng lao động này. Không thể để nguồn lực sản xuất quan trọng lại mòn mỏi chờ đợi được có “thẻ xanh” nơi góc nhà thương khó của họ.
Khuyến khích lao động quay lại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng cách nào? Nhiều địa phương sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp để đưa đón công nhân, nhưng việc rà soát và tập hợp không đơn giản. Nghị quyết 128 cho phép công dân linh hoạt di chuyển giữa vùng xanh và vùng vàng, chỉ cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản phòng chống Covid-19. Địa phương và doanh nghiệp nên chủ động hỗ trợ kinh phí cho lao động đang tránh dịch ở các tỉnh được thực hiện xét nghiệm nhanh, đồng thời hướng dẫn những người có kết quả âm tính di chuyển về đơn vị cũ một cách hợp lý.
Câu hỏi cốt lõi: Làm sao để người lao động yên tâm quay lại góp sức phục hồi sản xuất? Đó là cam kết tiêm vaccine ngay lập tức cho tất cả công nhân trong khu công nghiệp và khu chế xuất. Hiện tại, nỗ lực tiêm vaccine ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đều đã đạt tỷ lệ khá cao. Do đó, cần ưu tiên vaccine cho người lao động quay lại làm việc. Hãy hình dung, một nhà máy hoặc một công ty khi tái vận hành sau giãn cách, 2 hoạt động phải triển khai song song là khử khuẩn trang thiết bị và tiêm vaccine cho công nhân. Những lô vaccine được viện trợ hoặc được đặt mua đang liên tục có mặt tại Việt Nam. Thay vì phân phối dàn trải nên tập trung mở điểm tiêm vaccine cho người lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Khi và chỉ khi, lực lượng lao động chủ chốt được tiêm vaccine 100% bức tranh bình thường mới sẽ hiện diện tươi sáng.
Câu chuyện thứ hai: Tương lai của trẻ mồ côi vì Covid-19. Sự thống nhất thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đã đưa các hoạt động xã hội từng bước thích ứng linh hoạt tình trạng bình thường mới. Nhiều công việc cấp bách sau giai đoạn giãn cách diện rộng cũng đang được triển khai tại TPHCM, trong đó có việc hơn 1.400 trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi vì dịch Covid-19.
Dang rộng cánh tay nhân ái với những đứa trẻ mồ côi vì đại dịch, trong đó có 66 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ và 19 trẻ mồ côi mất mẹ khi vừa chào đời, hoàn toàn không đơn giản. Bởi lẽ, tại TPHCM còn có những trường hợp rất đặc biệt, như không còn người thân nào vì trẻ mồ côi lần thứ hai do người nuôi dưỡng hay người giám hộ cũng đã thúc thủ trước virus corona. Có vài cá nhân đã đăng ký bảo trợ, như một nghệ sĩ hỗ trợ học phí cho 100 em trong vòng 6 năm, hoặc một tỷ phú gốc Việt tuyên bố nếu được đồng tình sẽ bảo lãnh 23 em sang Mỹ để nuôi dưỡng. Mọi tấm lòng đều đáng trân trọng, nhưng cần có kế hoạch bài bản và giải pháp cụ thể cho tương lai.
Một tập đoàn cam kết thu dung 1.000 trẻ mồ côi vì Covid-19 để nuôi dạy theo mô hình trường thiếu sinh quân ở Đà Nẵng. Ý tưởng rất quý báu, nhưng phải đắn đo thêm yếu tố tâm lý của các em. Mất thân nhân trong đại dịch là cú sốc khó nguôi ngoai, trẻ mồ côi đang cần sự vỗ về yêu thương hơn cả sự chăm sóc vật chất. Nếu bắt các em phải di chuyển để thay đổi môi trường sống, e rằng sẽ tạo thêm sang chấn khác của sự bơ vơ và buồn tủi.
Theo kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, hầu hết người thân và trẻ mồ côi đều muốn tiếp tục gắn bó với gia đình. Tham vấn của các chuyên gia Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF cũng kiến nghị nên để trẻ mồ côi vì Covid-19 được gần gũi tình ruột thịt kiểu “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”. TPHCM chủ trương xây dựng 4 nhóm chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi vì Covid-19 theo nguyện vọng từ gia đình và người thân của đối tượng thụ hưởng. Nhóm thứ nhất, dành cho trẻ mồ côi được người thân nuôi dưỡng. Nhóm thứ hai, dành cho trẻ mồ côi không còn người thân được đưa vào các trung tâm nhân đạo hoặc mái ấm tình thương. Nhóm thứ ba dành cho trẻ mồ côi được bảo trợ của các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Nhóm thứ tư dành cho trẻ mồ côi có nguyện vọng khác.
Như vậy trẻ mồ côi vì Covid-19 có nhiều con đường để có thể hòa nhập cộng đồng sau nỗi mất mát khó bù đắp. Theo quy định hiện nay, chỉ trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được nhận trợ cấp hàng tháng theo mức trẻ dưới 4 tuổi 900.000 đồng/tháng, ngoài độ tuổi này 540.000 đồng/tháng. Đó là số tiền quá ít ỏi, để trẻ mồ côi có điều kiện sinh hoạt và học tập. Cho nên, đã đến lúc phải xây dựng quỹ thiện tâm do Nhà nước quản lý công khai và minh bạch, để kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng nâng đỡ dìu dắt trẻ mồ côi vì Covid-19, đúng theo tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.