NHNN đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đề xuất quy định về phạm vi cung ứng dịch vụ TGTT, đồng tiền sử dụng trong giao dịch TGTT.
Tại dự thảo NHNN quy định, dịch vụ TGTT bao gồm: dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử. Hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT thực hiện theo quy định của NHNN.
Dự thảo thông tư quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của thông tư là không hướng dẫn các loại tài khoản do tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ mở cho khách hàng chỉ để sử dụng trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ trong chính hệ thống của tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó.
Theo NHNN, vừa qua, theo báo cáo của một số tổ chức TGTT, hiện nay trên thị trường có một số tổ chức (như các công ty cung cấp trò chơi trực tuyến, dịch vụ vận tải, công ty chứng khoán,…) thực hiện mở tài khoản dịch vụ/tài khoản giao dịch cho khách hàng và cho phép khách hàng nạp tiền và sử dụng tài khoản này để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ của công ty, nhưng pháp luật không có quy định, hướng dẫn.
Đây là những tài khoản dịch vụ/tài khoản giao dịch mà đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ mở cho khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán trong chính hệ thống của mình, không phải phương tiện thanh toán sử dụng rộng rãi.
Dự thảo thông tư nêu rõ phạm vi quy định của thông tư là không bao gồm các loại tài khoản này. Quy định này tại dự thảo thông tư được áp dụng thống nhất, tương đồng với nguyên tắc NHNN không quản lý các loại thẻ/phiếu mua hàng (do tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát hành cho khách hàng chỉ để sử dụng để giao dịch trong chính hệ thống của tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó).
Dự thảo thông tư kế thừa quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-NHNN. Theo đó, giữ nguyên quy định tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng.