Hàn Quốc - Cuộc chiến giữa 2 vì sao (K1): Khát vọng Made in Korea

(ĐTTCO) - Samsung và LG - 2 tập đoàn điện tử đứng top toàn cầu - nằm trong nhóm “Tứ đại chaebol” của Hàn Quốc, bên cạnh Daewoo và Hyundai. Samsung trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa “Ba ngôi sao”, trong khi nguồn gốc của chữ G trong tên gọi LG là từ Goldstar (Ngôi sao vàng), báo chí Hàn Quốc gọi cuộc cạnh tranh giữa 2 chaebol này là “Chiến tranh giữa các vì sao".
 
Câu chuyện thú vị về cuộc chiến tranh giữa “các vì sao", bắt đầu từ năm 1967 và kéo dài cho đến nay, tức đã tròn 50 năm, giữa 2 người đồng hương, 2 người bạn, đồng thời là 2 ông thông gia. Nhưng trên hết là giữa 2 nhà sáng lập vĩ đại của những chaebol lớn nhất Hàn Quốc: Lee Byung-chul (Samsung) và Koo In-hwoi (LG).
Khởi đầu từ đường và kem
 Đế chế Samsung được thành lập năm 1938, trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên. Khi đó ông Lee Byung-chull thành lập một công ty thương mại tại quê nhà - tỉnh Gyeongsang - và đặt tên nó là Samsung. Tuy nhiên, công ty này làm ăn không mấy thành công. Tháng 11-1948, Lee Byung-chul quyết định rời quê nhà, đến Seoul thuê miếng đất khoảng 330m2 để dựng lên Công ty Samsung C&T (Construction & Trading) chuyên nhập khẩu đường, dược phẩm, phân bón và xuất khẩu mực, thạch rau câu, cặn dầu hạt bông sang Hồng Công, Macao.
Công ty làm ăn thuận lợi được một thời gian thì chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Toàn bộ hàng hóa đều bị đốt phá, Lee gần như trắng tay. Ông chuyển đến vùng tị nạn Busan, thành lập lại Công ty Samsung C&T, tiếp tục nhập đường và phân bón từ Hồng Công về. Lợi nhuận ròng sau 6 tháng là 1 tỷ won, sau một năm là 6 tỷ won.
Mặc dù đã kiếm được bộn tiền, nhưng Lee Byung-chul vẫn trăn trở: “Tại sao chúng ta không thể tự sản xuất những thứ chúng ta dùng?”. Lee Byung-chul quyết định ngừng kinh doanh thương mại để chuyển sang sản xuất. Và ông đã xây dựng 1 nhà máy tinh luyện đường mà các quan chức Hoa Kỳ làm việc trong phái bộ viện trợ đóng tại Hàn Quốc đặt cho cái tên là "Đường BC" mang nhãn “Made in Korea”. Lee Byung-chul trở thành người giàu nhất Hàn Quốc vào thập niên 1960, đóng góp cho ngân sách nhà nước 4% tổng số thuế trên cả nước.
Hàn Quốc - Cuộc chiến giữa 2 vì sao (K1): Khát vọng Made in Korea ảnh 1 Ảnh minh họa.
Trong khi đó, nhà sáng lập LG, ông Koo In-hwoi, cũng quê ở tỉnh Gyeongsang. Trong thời gian học Trường Trung học Chung Ang ở Seoul, ông đã ấp ủ những ý tưởng kinh doanh của riêng mình. Học xong trung học, Koo In-hwoi về quê quản lý một hợp tác xã thương mại, sau đó làm chủ bút báo Dong-A Ilbo chi nhánh Jisu trước khi khởi nghiệp kinh doanh trong ngành vải năm 1936. Ông nhanh chóng nhận thất bại đau đớn đầu tiên khi cả kho vải mà ông dùng toàn bộ số tiền và đất đai của gia đình mua về bị ngập chìm trong nước lũ.
Koo In-hwoi không suy sụp mà tiếp tục vay tiền để kinh doanh vải, và những tính toán đúng đắn đã đem về lợi nhuận rất lớn sau thời gian ngắn. Năm 1947 Koo In-hwoi quyết định mở 1 nhà máy mỹ phẩm chuyên sản xuất loại kem bôi mặt mang tên Lucky - ông lấy tên gọi này khi quân đội Hoa Kỳ đóng tại Hàn Quốc. Thành công ban đầu của mỹ phẩm Lucky đã đưa ông đến với ngành công nghiệp nhựa.
Công ty của ông đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm gia dụng bằng nhựa và một nhãn hàng kem đánh răng mới, đánh bật các sản phẩm nước ngoài bằng chất lượng tương đương và giá rẻ hơn nhiều.
Xuyên suốt sự nghiệp, Koo In-hwoi luôn chứng tỏ mình là người có khả năng nắm bắt thời cuộc với tầm nhìn xa trông rộng hiếm thấy. Mỗi sản phẩm do công ty của ông sản xuất, như kem đánh răng, chất dẻo, radio, điện thoại, tủ lạnh và tivi… đều trở thành những sản phẩm “Made in Korea” đầu tiên. Điều đó không chỉ đem lại những đổi thay to lớn cho cuộc sống của người dân Hàn Quốc mà còn đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước này.

Bùng nổ công kích 
 Ngày 19-6-1967, chính phủ Hàn Quốc dưới quyền Tổng thống độc tài Park Chung-hee ra mắt kế hoạch 8 năm với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghệ điện tử tại đất nước này. Tổng thống Park thậm chí còn cấm nhập lậu các loại máy vô tuyến của nước ngoài để bảo vệ LG tại thị trường trong nước. Thực tế Samsung đã chuẩn bị sẵn sàng để nhảy vào lĩnh vực điện tử thậm chí trước cả khi kế hoạch của chính phủ được công bố.
Koo Cha-kyung, con trai ông Lee kể lại câu chuyện này trong hồi ký của mình: “Nhà sáng lập Samsung gặp ông bạn kiêm thông gia Koo và thông báo rằng Samsung có kế hoạch bước chân vào ngành điện tử. Ông Koo tiếp nhận tin này với thái độ khó chịu. Ông quát lên với ông Lee, còn ông Lee thì rất sốc trước phản ứng này. Không nói thêm nửa lời, ông Lee bỏ đi, để rồi sau đó 2 người không bao giờ đến gần nhau nữa”. 
Koo sau đó đã nói với con trai, đồng thời là người thừa kế của mình, rằng ông cảm thấy bị xúc phạm khi thấy ông thông gia tỏ ý muốn xâm phạm đến lĩnh vực của mình, trong khi bản thân ông không bao giờ có ý định mở một nhà máy tinh luyện đường - vốn là lĩnh vực kinh doanh tốt nhất của Samsung lúc đó - do sự tôn trọng dành cho ông Lee. Người con trai thứ ba của ông Koo sau đó đã rời Samsung để quay lại LG. Ông Lee và Koo không thể quyết định cách thức quản trị công ty chung Tongyang như thế nào. Cuối cùng ông Koo quyết định từ bỏ cổ phần trong công ty này.
Vài tháng sau, một tờ báo của Samsung xuất bản mục riêng để ông Lee lý giải lý do vì sao ông tin rằng ngành công nghiệp điện tử có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của Hàn Quốc. Tờ báo của LG cũng xuất bản loạt bài công kích bước đi của Samsung. Cuối cùng, ông Lee phải đích thân đến gặp Tổng thống Park để thuyết phục ông cho phép Samsung tham gia lĩnh vực điện tử bởi lúc đó chính phủ có các quy định rất ngặt nghèo nhằm ngăn cản các công ty tham gia những ngành nghề kinh doanh không được cấp phép. Vị tổng thống Hàn Quốc mặc dù không ưa ông Lee nhưng cuối cùng đã đồng ý bật đèn xanh. Và cuộc chiến giữa 2 “ngôi sao” điện tử của Hàn Quốc cũng bắt đầu từ đây.

Bước tiến của gã khổng lồ
 Tại triển lãm thương mại của Đại hội Thế giới di động diễn ra năm 2015, Samsung và LG đã dành cho nhau những lời nồng hậu đến độ bất thường. Đồng Tổng giám đốc của Samsung JK Shin khen ngợi sản phẩm Watch Urbane của LG. Đổi lại, Giám đốc ngành hàng di động của LG Juno Cho tán dương 2 siêu phẩm smartphone Galaxy S6 và S6 Edge của Samsung. Sự kiện hiếm thấy này diễn ra có lẽ vì 2 kỳ phùng địch thủ lúc đó không giới thiệu những sản phẩm cạnh tranh nhau. Bởi lẽ, trước đó tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng, 2 đại gia này đã không tiếc lời công kích chiến lược về tivi của nhau, chưa kể họ còn lời qua tiếng lại về công nghệ màn hình OLED và LCD. Hai bên còn dính vào các thủ tục tố tụng liên quan đến vụ Samsung kiện quan chức LG phá hoại máy giặt của mình. 
Samsung và LG được xem là 2 chaebol nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Hơn lúc nào hết, nhánh kinh doanh sản phẩm điện tử của 2 gã khổng lồ này đang là những tay chơi có hạng trên toàn cầu. Trong khi những chiếc iPhone thế hệ mới không ngừng được đại gia Apple của Hoa Kỳ tung ra có thể đang giữ vương miện trong lĩnh vực điện thoại thông minh, những siêu phẩm tương đương như dòng G của LG hay dòng Galaxy của Samsung cùng các sản phẩm gia dụng và điện tử khác của 2 công ty này khiến không ai có thể bỏ qua vai trò của Hàn Quốc trong thế giới công nghệ.
Tại Hàn Quốc 2 chaebol này lại nổi tiếng hơn nhờ những màn tranh đấu và thù địch. So sánh Samsung với LG lâu nay đã trở thành một điều bắt buộc mà lý do không gì khác là 2 chaebol này là những đối thủ không đội trời chung trong ngành công nghiệp điện tử cạnh tranh khốc liệt. Cuộc đấu giữa 2 bên cuối cùng cũng chỉ xoay quanh 2 công ty tương ứng là Samsung Electronics và LG Electronics. Đây không chỉ là những “soái hạm” trong đoàn quân 2 bên mà còn là những công ty được các nhà sáng lập 2 bên ưa thích nhất.

 Ông Lee và ông Koo là đồng hương, lúc nhỏ là bạn thân học cùng trường và trở thành thông gia của nhau khi con gái thứ hai của ông Lee lấy con trai thứ ba của ông Koo. 2 ông thông gia cùng nhau lập ra Tongyang Broadcasting, một liên doanh khá thành công. Nhưng khi ông Lee thành lập công ty điện tử cạnh tranh với ông thông gia, sự tôn trọng 2 ông dành cho nhau nhanh chóng biến mất và 2 ông thông gia trở thành đối thủ.
(còn tiếp)

Các tin khác