Tràn lan hàng hiệu giá bèo
Thử tìm kiếm cụm từ đồng hồ Rolex trên sàn TMĐT Shopee sẽ ra rất nhiều cửa hàng cung ứng mặt hàng này. Chỉ từ 250.000 đồng đến dưới 2 triệu đồng là khách hàng có thể sở hữu một chiếc đồng hồ Rolex.
Chưa khi nào việc mua “đồng hồ hiệu” lại đơn giản và dễ dàng đến như vậy. Tương tự, khi tìm kiếm cụm từ túi xách LV/Gucci trên sàn này cũng có thể dễ dàng thấy được vài chục cửa hàng bán những loại túi mang 2 thương hiệu kể trên với giá rẻ bèo chỉ hơn 100.000 đồng/túi.
Thử hỏi hàng xịn có mẫu nào thì trên sàn TMĐT Shopee có ngay mẫu đó. Chỉ nhìn vào giá cũng có thể khẳng định đây là hàng giả, nhái 100% nhưng người bán vẫn công khai và người mua vẫn tấp nập còn chủ sàn lại quá thờ ơ.
Thực tế không chỉ riêng Shopee, nếu dạo qua sàn TMĐT Lazada thì tình cảnh mua “hàng hiệu” giá bèo cũng tràn lan. Túi xách LV bán trên Lazada cũng chỉ có giá vài trăm ngàn đồng /túi. Hoặc khi tìm mua giày thương hiệu Nike khách cũng có thể dễ dàng sở hữu những đôi giày cao cấp full box với giá chỉ hơn 100.000/đôi.
Những “món hàng hiệu” ấy vốn đã rẻ lại liên tiếp được chủ sàn, chủ shop giảm giá khuyến mại vài chục % nên rẻ lại thêm rẻ, thậm chí có những mặt hàng người bán còn sale sốc lên tới 70-80% khiến người mua bị rơi vào mê hồn trận “hàng hiệu giá bèo”.
Hàng hiệu ở nước ngoài bị làm giả, nhái bán tràn lan, công khai trên nhiều sàn TMĐT tại Việt Nam đã là một nhẽ. Nhiều doanh nghiệp trong nước khi đưa hàng của mình lên sàn TMĐT lại té ngửa vì có quá nhiều shop đang bán hàng giả thương hiệu của mình ngang nhiên kinh doanh trên sàn TMĐT.
Cách đây chưa lâu, Công ty Idocean, chuyên cung ứng nguyên liệu trà sữa các loại đã chia sẻ từ năm 2019 khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT mới phát hiện một mặt hàng bán chạy của Idocean được làm giả và công khai bán trên các shop online của Shopee.
Doanh nghiệp này đã làm việc với Shopee, ban đầu sàn TMĐT này có động thái khóa tất cả sản phẩm bị khiếu nại kể cả hàng thật, nhưng sau 2 năm những sản phẩm giả, nhái vẫn được bán trên nhiều shop online, thậm chí gian hàng nhái còn được gắn tag “shop yêu thích”.
Cũng là một doanh nghiệp miệt mài với cuộc chiến sách lậu, Công ty văn hóa sáng tạo Việt Nam First News Trí Việt đã từng kiện sàn TMĐT Lazada vì tiếp tay tiêu thụ sách giả. Rất nhiều đầu sách đã vi phạm bản quyền tác giả mà First News đang sở hữu đồng thời giảm giá bán vô tội vạ trên sàn TMĐT này. Người tiêu dùng bị lừa khi mua online còn doanh nghiệp như First News lại bị ảnh hưởng cả về danh tiếng lẫn hiệu quả kinh doanh.
Những thí dụ trên cho thấy chẳng phải ngẫu nhiên mà Shopee được lọt vào danh sách của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ. Nó chỉ một lần nữa làm dấy lên những bức xúc của cả những người kinh doanh chân chính và những người mua hàng cần được bảo vệ khi mua sắm trên nhiều sàn TMĐT.
Nhìn thẳng sự thật, tìm phương án giải quyết
Nhìn thẳng sự thật, tìm phương án giải quyết
Ngay khi cơ quan đại diện thương mại Mỹ đưa ra báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có một số phản hồi. Với riêng trường hợp của Shopee, báo cáo đề cập đến toàn bộ hệ thống Shopee hoạt động trên nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Theo kiểm tra của Tổng cục Quản lý thị trường, Shopee tại Việt Nam có cơ chế xử lý các yêu cầu khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ, có quy trình và biện pháp kiểm soát sản phẩm đăng bán và người bán.
Phản hồi này của Tổng cục Quản lý thị trường thực sự khó thuyết phục người tiêu dùng. Nếu các sàn TMĐT mà trường hợp cụ thể ở đây là Shopee có biện pháp kiểm soát người bán và sản phẩm, thì vì sao những mặt hàng giả, nhái vẫn công khai bán tràn lan như vậy.
Nếu có cơ chế xử lý khiếu nại thì tại sao doanh nghiệp phải lên tiếng sau mấy năm làm việc cùng đơn vị này để loại bỏ hàng giả, nhái như câu chuyện kể trên. Liệu có phải do việc buôn bán trên chợ mạng Shopee quá sầm uất, lượng người bán quá đông nên kiểm soát không xuể.
Thực ra câu chuyện hàng giả, nhái bán trên các sàn TMĐT có lẽ không chỉ của riêng Việt Nam, nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là hàng giả, nhái quá nhiều và bày bán quá công khai.
Được biết nhiều sàn TMĐT còn từng ký cam kết nói không với hàng giả trong TMĐT. Nhưng có lẽ ký kết vẫn chỉ ở trên giấy, còn thực tế vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ sàn. Vẫn biết có cầu mới có cung, nhiều mặt hàng người mua biết chắc chắn đó là hàng giả nhưng vẫn thích mua như đồng hồ, túi hiệu… nên người bán mới phục vụ.
Nhưng cũng có nhiều mặt hàng khác người mua hoàn toàn không hay biết mình đã mua phải hàng giả, nhái, kém chất lượng. Đến khi phát hiện ra thì cũng không dễ để khiếu nại vì vướng thủ tục rườm rà.
Quyền lợi của người mua hàng online lúc này dường như bị bỏ ngỏ. Cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn vì không gian mạng quá rộng lớn, quy định pháp luật thì chưa theo kịp những thay đổi nhanh chóng của thị trường TMĐT nói chung.
Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Liệu Nghị định mới có thể quản lý tốt hơn thị trường TMĐT hay không, các chủ sàn TMĐT có thực sự nâng cao vai trò quản lý sản phẩm của mình từ đó hạn chế hàng giả, nhái hay không vẫn còn phải đợi câu trả lời ở phía trước.
Vẫn biết luật đôi khi không theo kịp sự thay đổi, nhưng dù ít dù nhiều luật cũng phải bảo vệ được người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính, ngăn chặn phần nào hiện tượng công khai bán hàng giả, nhái.
Cũng đã đến lúc các sàn TMĐT đừng chỉ chăm chú tung ra vô số chương trình khuyến mại, giảm giá khủng mà hãy sàng lọc xây dựng hình ảnh đáng tin cậy trong mắt người tiêu dùng.