Cần bình đẳng giữa hàng không tư nhân và nhà nước
Trong bối cảnh các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet,... đứng bên bờ vực phá sản, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đã kiến nghị mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Hiệp hội này cho biết, theo Thông tư 04/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%.
Từ đó, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet,... tương tự như Vietnam Airlines. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.
Liên quan tới vấn đề trên, Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: "Việc cứu các hãng hàng không trong bối cảnh các hãng hàng không đứng bên bờ vực phá sản là rất cần thiết và phải làm "cấp tốc". Ngành hàng không là "xương sống", có sức lan toả, tác động rất lớn đối với nền kinh tế".
"Không những hiệu quả về kinh tế, nếu cứu được hàng không thì hàng năm sẽ thu được nhiều ngân sách", PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
PGS.TS Ngô Trí Long phân tích, vừa qua việc hỗ trợ hàng không có sự phân biệt rất lớn giữa hãng bay tư nhân và hàng bay nhà nước. Nhưng thực tế gói hỗ trợ của Vietnam Airlines vẫn chưa triển khai được hết, dự kiến Vietnam Airlines sẽ còn lỗ 10.000 tỷ.
Trong khi đó, các hãng hàng không Bamboo Airways, Vietjet cũng thua lỗ không không hề thua kém và phải tự xoay vốn để duy trì hoạt động. Do đó, nhà nước cần phải bình đẳng hỗ trợ giữa hãng bay tư nhân và hàng bay nhà nước.
"Hiện, Bamboo Airways, Vietjet thâm hụt dòng tiền rất lớn, nhưng tại sao ngân hàng vẫn cho vay?, bởi 2 hãng bay này đã phải bản tài sản để cân đối tài chính có lãi, thì ngân hàng mới cho vay. Do đó, có thể thấy vấn đề cốt yếu nhất của các hãng hàng không là tiền mặt", PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nhà nước cần có sự công bằng giữa Bamboo Airways, Vietjet và Vietnam Airlines, nên có một gói hỗ trợ tương đương nhau. Đặc biệt, phải có chính sách khả thi, ngân hàng thì không thể có vay với lãi suất thấp được vì ngân hàng cũng phải huy động vốn.
Việc cấp vốn cho các hãng hàng không phải có tiêu chí cụ thể, tránh giải cứu hình thức. Ngoài ra, các giải pháp giảm thuế, phí phải thực thi, thực tế, chứ không phải giảm những loại thuế không có tác động tích cực lớn tới các hãng hàng không.
Tôi thấy, các giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng cứu hàng không là rất thực tế và cần phải triển khai nhanh, đừng để hàng không chết rồi mới cứu thì thật vô nghĩa.
Đừng để hàng không "chết"
Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, nghịch lý hơn hết là mặc dù các hãng hàng không đứng bên bờ vực phá sản, nhưng lại có doanh nghiệp vẫn báo lãi 1.000 tỷ là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Ngoài những kiến nghị nêu trên, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị cho phép áp dụng mức ưu đãi như nội dung Thông tư 19/2020 của Bộ Giao thông Vận tải từ 1-1-2021 đến 30-6-2022 đồng thời giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay du lịch; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022.
Đồng thời, giải pháp sớm triển khai tiêm vaccine trên diện rộng và xem xét sử dụng "hộ chiếu vaccine", nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine; từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đánh giá, hiện doanh thu của các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu và đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền. Vì thế, các hãng bay rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, các cơ chế chính sách của Nhà nước để vượt qua đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia nước ngoài tính toán rằng hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Trước đại dịch, hàng năm doanh thu vận tải hàng không tăng bình quân từ 15%-20%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không.
Năm 2020, của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Cụ thể, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways lỗ 16.000 tỷ đồng. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2021, doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5-6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) khiến các hãng càng suy kiệt, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời nhưng còn thiếu và chậm triển khai.
Nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không Vietnam Airlines.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.
Đến nay, Bộ GTVT đã quyết định tổ công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá vé máy bay để kịp thời chấn chỉnh xử lý những vi phạm nếu có.
Tổ công tác kiểm tra bao gồm các thành viên giữa liên Bộ là Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải - Bộ GTVT; các đơn vị chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, gồm: Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Bộ Công thương; Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.
Việc thành lập tổ kiểm tra với mục đích xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Quá trình kiểm tra sẽ kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong đó làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc (nếu có)".