Hàng hóa tăng giá trong mùa dịch, người dùng khốn khổ

(ĐTTCO)-Nhiều loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô và thậm chí nhiều sản phẩm khác đã tăng giá cao trong những tháng vừa qua khiến nhiều hộ gia đình gặp khó trong sinh hoạt tiêu dùng.
Những cá nhân, doanh nghiệp tăng giá trong mùa dịch là không chia sẻ khó khăn với khách hàng
Những cá nhân, doanh nghiệp tăng giá trong mùa dịch là không chia sẻ khó khăn với khách hàng

Từ thịt heo đến rau củ, bột bánh, cả bia đều tăng giá

Hơn 3 tháng qua, hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống đến thực phẩm khô tại TP.HCM đều tăng giá mạnh, nhất là khi thành phố và nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19.

Chẳng hạn, giá thịt heo cốt lếch trước đây thường 130.000 - 135.000 đồng/kg thì có thời điểm nhiều cá nhân bán tăng lên 220.000 đồng/kg; thịt nạc xay cũng dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/kg thì tăng lên 200.000 - 210.000 đồng/kg...

Trong khi đó giá heo sống từ đầu đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay giảm đến 20.000 đồng, từ 70.000 đồng xuống 50.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ thịt heo đến tay người dùng lại tăng chóng mặt.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các loại cá, tôm như tôm nuôi tại Long An, Tiền Giang giá 110.000 - 120.000 đồng/kg, cùng loại bán tại TP.HCM 240.000 - 250.000 đồng/kg; cua Cà Mau 220.000 đồng/kg, giá lên TP 380.000 đồng/kg; cá nục thông thường có giá 55.000 - 60.000 đồng/kg nhưng trong dịch tăng lên gấp đôi.

Đặc biệt với các loại rau xanh như rau muống, rau cải các loại cũng đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Thậm chí các loại rau gia vị như hành lá, rau ngò... có lúc tăng gấp 4-5 lần ngày thường khiến nhiều người “chóng mặt”. Không chỉ với thực phẩm tươi sống mà ngay thực phẩm khô như các loại bún, mì hay các loại bột làm bánh cũng tăng gấp đôi.

Chẳng hạn, bún tươi Safoco trước khi dịch xảy ra giá 16.000 - 17.000 đồng/gói 300 gram, nay lên 29.000 đồng/gói 300 gram; bột mì đa dụng trước đây khoảng 24.000 - 25.000 đồng/kg nay lên 39.000 - 40.000 đồng/kg...

Chưa hết, mới đây sau khi quận 7 thí điểm được phép cho mở cửa lại một số hoạt động, chị Loan cho hay khá bất ngờ khi hỏi mua thùng bia Heineken xanh thì cũng được báo tăng lên 400.000 đồng (tăng thêm khoảng 3%). Và khi hỏi ra cửa hàng cho hay nhiều loại bia của Heineken cũng đều tăng giá thêm 3% và được giải thích từ công ty là do chi phí nguyên vật liệu, giao nhận hàng hóa gia tăng nên công ty tăng giá bán.

“Những tưởng chỉ có hàng hóa thiết yếu như thịt, cá và rau củ do nhu cầu tăng cao thì mới lên giá vừa qua. Ai ngờ bia cũng lên giá thì thôi chắc nhịn luôn”, chị Loan tâm sự.

Cần chia sẻ khó khăn với người dùng

Hầu như tất cả người bán đều giải thích việc tăng giá sản phẩm trong thời gian dịch diễn biến nặng nề đều cho rằng vì các loại chi phí liên quan đều lên cao.

Nhưng theo bà Nguyễn Thị Hiếu, chủ một vựa rau củ tại Đà Lạt, việc nhiều loại rau củ tại TP.HCM tăng gấp 2 hay gấp 3-4 lần ngày thường là vì người bán vẫn muốn có lời quá cao. Thậm chí giá mua rau củ tại vườn rất thấp vì đang vào vụ thu hoạch, cộng thêm chi phí vận chuyển về TP.HCM cũng không thể nào tăng gấp đôi.

Tương tự, bà cũng cho rằng việc các tiểu thương khác đều chịu ảnh hưởng khó khăn hay chi phí đầu vào đi lên trong thời gian qua nhưng tại sao họ vẫn giữ nguyên giá bán? Trong khi đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp dù đối diện với bao khó khăn, nhất là chi phí gia tăng nhưng vẫn nỗ lực sản xuất, ổn định giá bán đến tay người tiêu dùng.

Đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tại TP.HCM cho hay có nhiều thời điểm họ phải bán dưới giá thành, chấp nhận lỗ để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Bởi lúc này không phải là thời điểm để tính đến việc phải duy trì mức lãi như trước đây mà quan trọng hơn là phải đồng hành cùng đối tác, khách hàng.

Do vậy, ở thời điểm này, việc các doanh nghiệp cố gắng bình ổn giá cũng là một hình thức chia sẻ những khó khăn với người tiêu dùng bởi đó cũng có thể chính là khách hàng của chính họ.

Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, hàng loạt doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều liên tục có những chương trình hỗ trợ khách hàng, người dân.

Chẳng hạn từ ngày 18.8, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM thực hiện chương trình giảm giá 25% nhiều sản phẩm so với mức giá niêm yết. Chương trình dự kiến kéo dài một tháng với tổng ngân sách trợ giá dự kiến hơn 20 tỉ đồng. Tiếp sau đó, Nutifood tiếp tục giảm giá đến 50% đối với sữa tươi NutiMilk dành người tiêu dùng ở TP.HCM và Bình Dương.

Hay Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và nhãn hàng Bia Saigon mới đây cũng tiến hành đợt trao gói hỗ trợ cho 600 hộ kinh doanh nhỏ trong ngành thực phẩm và đồ uống đang gặp khó khăn do Covid-19 tại TP.HCM, mỗi hộ nhận 5 triệu đồng.

Các tin khác