Có một dịp Tết Nguyên đán và giỗ Tổ nhộn nhịp cùng với việc nối lại mạng bay quốc tế đã khiến các hãng hàng không thêm động lực "rũ bùn" lấy lại đà tăng trưởng sau 2 năm dịch bệnh.
Tất bật lịch bay, tuyển phi công, tiếp viên
Anh Tôn Khánh, cơ phó Airbus A321 của Vietnam Airlines, bắt đầu tất bật chạy theo lịch bay dày đặc trở lại. Anh nhớ lại, vào thời điểm dịch năm ngoái, phi công chỉ bay lèo tèo vài chuyến mỗi tháng, chủ yếu là để giữ bằng, thì đến nay lịch bay đã khôi phục đến 60 - 70%.
"Ngoài bay nội địa, các chuyến quốc tế đã bắt đầu nhộn nhịp. Tôi mới bay chuyến từ Hàn Quốc về, sắp tới bay Lào và Singapore. Dù số giờ bay vẫn chưa nhiều như giai đoạn trước đây nhưng tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc khi được trở lại bầu trời, thu nhập gia tăng đáng kể so với giai đoạn chỉ nhận lương cứng" - anh Khánh nói và kỳ vọng hàng không sẽ bứt tốc trong thời gian tới khi lịch bay mùa hè đã tăng chuyến, nhu cầu đi lại của khách nội địa và quốc tế bắt đầu sôi động.
Theo tìm hiểu, hiện phi công của Vietnam Airlines đã duy trì bay đạt 30 - 40 giờ/tháng, tiến tới mốc 70 giờ/tháng so với lịch bay trước đây. Lương của phi công, tiếp viên của Vietjet cũng phục hồi trở lại 90 - 100%. Sôi động mở rộng mạng bay, các hãng bắt đầu tuyển tiếp viên, phi công rầm rộ gần đây.
Nguyễn Huỳnh Sang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) dù đang làm công việc văn phòng ổn định nhưng đã chuyển ngang tham gia ứng tuyển tiếp viên của Vietjet cuối tháng 3. Sau một tuần, anh đã nhận kết quả trúng tuyển và nhập lớp huấn luyện của Vietjet.
"Trước đây tôi từng tham gia ứng tuyển của một hãng khác nhưng do trúng dịch phải tạm hoãn tới giờ. Hy vọng sắp tới hàng không sẽ tưng bừng hơn" - anh Sang nói.
Ông Đặng Ngọc Cương - giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết hiện sân bay này có 6 hãng hàng không trong nước và 39 hãng hàng không quốc tế đang khai thác. Lượng khách đến Tân Sơn Nhất đang tăng dần, trung bình một ngày đạt hơn 68.000 lượt, trong đó khách quốc tế trên 10.000 lượt. Tần suất bay quốc tế đang dần khôi phục theo phân bổ slot của Cục Hàng không.
Hãng bay quốc tế nhập cuộc đua
Tại triển lãm hàng không quốc tế mới đây ở TP.HCM, ông Nguyễn Phước Thắng, trưởng phòng khoa học công nghệ Cục Hàng không VN, cho biết thị trường hàng không quốc tế sẽ hồi phục rất nhanh. Có thể từ nay đến cuối tháng 8, các hãng sẽ tập trung toàn lực đội máy bay để tăng chuyến cho các đường bay du lịch. Hành khách ở nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất đông hơn khi hàng loạt hãng bay đăng ký quay lại khai thác hoặc tăng tần suất bay thường lệ từ tháng 4 như Qatar Airways, Emirates, Asiana Airlines...
Bà Vũ Thị Thanh Hương - trưởng đại diện Qatar Airways tại Việt Nam và Campuchia - cho hay hãng tăng tần suất khai thác từ 3 lên 5 chuyến/tuần cho đường bay TP.HCM - Doha từ ngày 12-4. Hãng bay lớn thứ 2 của Hàn Quốc là Asiana Airlines cũng tăng từ 5 chuyến lên 7 chuyến/tuần kết nối với 2 điểm bay TP.HCM, Phú Quốc.
Đại diện Hãng Emirates khẳng định sẽ tăng cường khai thác các chuyến bay thương mại đến và đi từ Việt Nam, phục vụ hành khách trong những kỳ nghỉ hay các chuyến công tác quốc tế hoặc vô tư tận hưởng hành trình trở về nhà.
"Emirates đã khởi động lại các hoạt động một cách an toàn tới hơn 120 điểm đến trong mạng lưới đường bay toàn cầu của hãng, thông qua Dubai" - đại diện hãng nói và cho biết Emirates nối lại các chuyến bay thương mại, du khách đến châu Âu cũng như các điểm đến khác hãy quay trở lại TP.HCM và Hà Nội, khách sẽ không còn phải xin giấy phép nhập cảnh đặc biệt của Chính phủ và hoàn toàn có thể tự cách ly tại nhà nếu đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19.
Vẫn còn nhiều thách thức
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty CP Phục vụ dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết đã nhận được nhiều hợp đồng mới của các hãng bay quốc tế tăng tần suất hoặc khôi phục các đường bay trong thời gian tới. Các hãng tạm ngưng do dịch nay quay trở lại khai thác như Thai Airasia, Jetstar Airways.
Đánh giá về cơ hội kinh doanh trong năm nay, ban lãnh đạo công ty này đặt kỳ vọng vào tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, thị trường hàng không nội địa dần hồi phục, các nước cùng chỉnh chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Song vẫn có những thách thức lớn mà SAGS phải đối mặt đó là giá xăng dầu tăng, thị trường trọng điểm Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "zero Covid".
Ông Nguyễn Hữu Nam, phó giám đốc VCCI TP.HCM, cũng cho rằng giá nhiên liệu biến động là một trong những thách thức lớn đối với ngành hàng không bởi nhiên liệu lần lượt chiếm 29% và 43% tổng chi phí bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet trong giai đoạn 2015 - 2019. Tháng 1-2022, giá nhiên liệu máy bay trung bình đã tăng lên mức khoảng 101 USD mỗi thùng, cao hơn đáng kể so với mức 77,8 USD mà Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dự báo hồi tháng 10-2021. Giá nhiên liệu máy bay tăng sẽ tác động lớn tới giá vé trong năm 2022.
Bà Đoàn Thị Mai Hương - tổng giám đốc SASCO - cũng đánh giá ngành hàng không còn nhiều thách thức nên công ty này vẫn tính toán tái cấu trúc các ngành hàng và dịch vụ, sẽ phân biệt và làm khác biệt hóa một số dịch vụ cao cấp. "Sẽ sắp xếp lại các hàng hóa và dịch vụ để nhắm tới từng phân khúc khách hàng để sự thắt chặt chi tiêu của hành khách sẽ không tác động nhiều tới công ty" - bà Hương nói.
39 Đó là số hãng hàng không quốc tế đang hoạt động, khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cùng với đó là 6 hãng hàng không trong nước. Nguồn: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Nhiều khuyến mãi, khách mua vé sớm Hiện nhiều người đã đặt vé sớm cho các chuyến đi quốc tế để tranh thủ giá rẻ. Anh Quốc Nam (Hà Nội) cho hay sắp có lịch đi du học vài tháng tới, anh đã chủ động đặt vé ngay từ bây giờ. "Giá chỉ hơn 12 triệu đồng/chiều, sau này hồi phục chắc khó có giá vé rẻ như thế" - Nam nói. Với lợi thế về thương hiệu cũng như nguồn khách đa dạng, nhiều hãng bay quốc tế "tham chiến" trở lại thị trường Việt Nam khiến cuộc đua giành khách hàng sẽ thêm nhộn nhịp. Chẳng hạn với đường bay Hàn Quốc, Vietnam Airlines và Vietjet đang đẩy mạnh chương trình kích cầu, khuyến mãi cạnh tranh với các hãng như Asiana Airlines. Chặng hạn, giá vé khởi hành từ TP.HCM - Incheon (Hàn Quốc) ngày 22-4 và chặng ngược lại 27-4, Vietnam Airlines bán giá 17,6 triệu đồng, Vietjet rẻ nhất là 13 triệu đồng, còn Asiana Airlines bán giá 650 USD (khoảng 14 triệu đồng). Sự cạnh tranh về giá vé, giờ bay và chất lượng dịch vụ giúp khách hàng có thêm chọn lựa. Hàng không có thể dẫn sóng phục hồi Theo các hãng bay, hàng không nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Điều này thúc đẩy hãng bay mở rộng mạng bay, tăng năng lực cạnh tranh với các hãng trong khu vực. Dịp Tết Nguyên đán 2022 có hơn 10.700 chuyến bay khai thác nội địa, cao hơn 69% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyến bay quốc tế đưa khách nước ngoài cũng dần trở lại "ngon lành" hơn. Ông Nguyễn Hữu Nam đánh giá những động thái tích cực trên đã góp phần củng cố niềm tin vào bức tranh sáng hơn của ngành hàng không trong năm nay, dẫn đầu làn sóng phục hồi. |