Dự báo được đưa ra trong lúc cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ ập tới ngành vận tải hàng không toàn cầu do các biện pháp hạn chế đi lại để khống chế dịch bệnh này.
Thiệt hại hàng trăm tỷ USD
Cũng theo ICAO, lượng sụt giảm hành khách lớn nhất là tại châu Âu, đặc biệt là trong mùa hè và sau đó là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện trạng này sẽ kéo theo việc năng lực khai thác hàng không có thể bị giảm đáng kể, dẫn đến sụt giảm doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2020 khoảng 160-253 tỷ USD.
Ước tính trên của ICAO nghiêm trọng hơn nhiều so với ước tính ban đầu đưa ra hồi tháng 2, khi dịch bệnh dường như chủ yếu tập trung tại Trung Quốc. Khi đó, ICAO ước tính doanh thu của ngành hàng không thế giới có thể đối mặt với mức giảm 4-5 tỷ USD.
Hãng hàng không Virgin Australia
Còn theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không toàn cầu có thể thiệt hại tới 314 tỷ USD tiền bán vé trong năm 2020 do các lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa của các nước. IATA cũng dự báo 50% hãng bay trên thế giới sẽ phá sản trong 2-3 tháng nữa nếu chính phủ các nước không can thiệp.
Nhằm khống chế sự lây lan dịch Covid-19, hầu hết các nước trên thế giới đã phải áp dụng biện pháp phong tỏa, khiến các hãng hàng không phải cắt giảm đáng kể hoạt động chở khách. Ước tính, hàng ngàn máy bay đã phải “đắp chiếu” trên khắp các sân bay thế giới. Các hãng bay này cũng yêu cầu nhân viên nghỉ phép tự nguyện không lương và giảm lương của ban lãnh đạo.
Mới đây, Hãng hàng không Virgin Australia của tỷ phú Anh Richard Branson đã đệ đơn xin phá sản sau một thời gian ngắn chật vật vì Covid-19. Deloitte sẽ trở thành tổ chức tiếp quản hoạt động của Hãng hàng không Virgin Australia. Như vậy, Virgin Australia đã trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do Covid-19. Trước Virgin Australia, Hãng hàng không khu vực Flybe của Anh tuyên bố phá sản, trở thành nạn nhân đầu tiên trước sự giảm sút nhu cầu đi lại của ngành hàng không.
Hãng hàng không giá rẻ của Na Uy Air Shuttle đã dừng hoạt động toàn bộ máy bay và nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Đan Mạch và Thụy Điển vì không đủ khả năng trả lương nhân viên. Ba hãng bay lớn nhất Mỹ gồm United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines cũng đang rơi vào tình thế ngặt nghèo.
Nhiều hình thức hỗ trợ
Để giải cứu ngành hàng không châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định, cho phép chính phủ các nước châu Âu rót tiền trợ cấp trực tiếp cho các hãng hàng không, cho chậm thuế hoặc miễn giảm thuế, bảo lãnh vay, cho vay ưu đãi và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn. Theo ước tính, trong năm nay, ngành vận tải hàng không châu Âu sẽ mất 44% doanh thu. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, chưa biết khi nào hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không và sân bay quốc tế mới trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn khi vận hành chuyến bay dân dụng trong thời gian tới, Cao ủy châu Âu về vận tải Adina Valean cho biết, tuần tới EC sẽ trình một bộ quy định về an toàn đối với hoạt động vận tải hàng không sau khi chấm dứt các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19.
Theo bà Valean, một số quy định về giãn cách xã hội tại các sân bay và trên máy bay sẽ phải được tôn trọng nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và sẽ cần áp dụng cho đến khi tìm ra vaccine hoặc thuốc điều trị Covid-19. Các biện pháp đang được EC cân nhắc sẽ bao gồm đeo khẩu trang và khử trùng máy bay và cả sân bay.
Trong khi đó, nhằm giúp các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định hỗ trợ các hãng khoảng 25 tỷ USD nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động.