Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, 9 tháng năm nay, TP đã xảy ra 626 vụ cháy. Trong đó có 7 vụ gây thiệt hại về người (18 người chết, 9 người bị thương).
Theo ông, đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Ở TP vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản tại các chung cư cũ, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ống trong ngõ sâu, chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke, quán bar, vũ trường). Dù đã công bố danh sách 79 chung cư vi phạm PCCC từ nhiều tháng nay, nhưng đến nay mới chỉ có 19 tòa nhà được khắc phục
Thảo luận vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam chỉ ra hàng loạt tồn tại liên quan đến công tác PCCC như nhiều nơi còn buông lỏng, trong khi kỹ năng chữa cháy và thoát hiểm của người dân còn yếu dẫn đến những cái chết thương tâm.
Ông Nam kiến nghị UBND TP Hà Nội xác định trách nhiệm không chỉ tập trung vào lực lượng cảnh sát PCCC mà cả lãnh đạo quận huyện, xã, phường khi xảy ra cháy nổ...
Khắc phục tồn tại ở 60 chung cư
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, tình hình PCCC ở TP còn rất xấu. Ông nhắc tới con số năm 2016 có 831 vụ cháy làm chết 19 người, tăng 11 người so với 2015, năm 2017 cũng đã có nhiều vụ gây thiệt hại về người như ở thị trấn Xuân Mai và cho rằng điều này là "rất đau đớn".
Bí thư Hoàng Trung Hải cũng nêu rõ những vấn đề liên quan phòng chống cháy nổ ở các khu chung cư.
“Trong 79 chung cư vi phạm, có 19 chung cư đã tự khắc phục. Chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa để khắc phục tồn tại ở 60 chung cư. Từng chung cư đó ngày nào còn đang vi phạm tiêu chuẩn PCCC thì chúng ta ngủ không yên”, Bí thư Hải nhấn mạnh.
Chỉ ra việc nhiều bảng quảng cáo tại các nhà hàng, vũ trường vẫn bịt hết mặt tiền, Bí thư Hà Nội yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát lại về an toàn PCCC.
Ông cũng đồng tình với quan điểm của Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam về việc quy trách nhiệm lãnh đạo địa bàn khi để xảy ra cháy nổ.