Đạo luật mới được thông qua của Philippines mang tên “Di sản tốt nghiệp cho hành động vì môi trường”, theo đó yêu cầu mỗi học sinh năm cuối cấp tiểu học, trung học và đại học phải trồng ít nhất 10 cây xanh trước khi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo Philippines và Ủy ban Giáo dục đại học sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và đảm bảo tuân thủ đạo luật mới.
Tác giả chính của đạo luật, ông Gary Alejano, cho biết, nếu đạo luật được thi hành một cách nghiêm túc thì với hơn 12 triệu học sinh tốt nghiệp tiểu học, gần 5 triệu tốt nghiệp trung học và gần 500.000 tốt nghiệp đại học mỗi năm, sáng kiến này sẽ đảm bảo ít nhất hàng năm sẽ có khoảng 175 triệu cây mới được trồng.
Mục tiêu của điều luật này là tạo cơ hội cho giới trẻ tham gia vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng một môi trường xanh hơn, sạch hơn cho những thế hệ tương lai. Ông G.Alejano cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải biến hệ thống giáo dục thành trung tâm phổ biến kiến thức, phương thức cũng như những hành vi sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý cho giới trẻ. Điều này dần dần sẽ giúp nâng cao nhận thức và ý thức của toàn thể công dân trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên”. Ông G.Alejano cũng ước tính rằng, điều luật mới sẽ giúp Philippines trồng thêm được hơn 5 tỷ cây xanh trong một thế hệ (khoảng 30 năm).
Với một quốc gia có rất nhiều hòn đảo tự nhiên như Philippines thì diện tích rừng tại đây đang rơi vào tình trạng đáng báo động. Từ năm 1934 - 1988, quốc gia này đã mất đến 9,7 triệu ha rừng do nạn khai thác gỗ trái phép. Bên cạnh đó, Philippines thường xuyên phải đối mặt với rác thải xâm chiếm môi trường khiến tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn, kéo theo hệ lụy biến đổi khí hậu và cướp đi môi trường sống của nhiều loài động vật.
Philippines là một trong những quốc gia bị tàn phá rừng nghiêm trọng nhất thế giới với tổng diện tích rừng giảm từ 70% xuống còn 20% trong thế kỷ 20. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến những trận lũ lụt, sạt lở đất trở nên nặng nề hơn, gây nhiều thiệt hại cho đời sống nhân dân.
Theo luật mới, hoạt động “trồng cây gây rừng” này sẽ được thực hiện ở bất kỳ địa điểm nào bị thiếu hụt cây xanh, từ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đất quân sự cho đến khu vực khai thác bị bỏ hoang.