Hành lang sông, kênh rạch đang bị bức tử

(ĐTTCO) - Kể từ năm 2004 đến nay, chính quyền TPHCM đã ban hành nhiều quy định nghiêm cấm lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp thuộc hành lang an toàn sông, kênh rạch. 
 
Thế nhưng qua ghi nhận, hầu như các dải đất này đang bị nhiều doanh nghiệp rào chắn làm của riêng, thậm chí cơi nới thêm.
Vi phạm tràn lan
Từ năm 2004, sau khi UBND TP ban hành Quyết định 150/2004 về quản lý, sử dụng hành lang an toàn sông, kênh rạch, suối, hồ công cộng, và mới đây được sửa đổi, thay thế bởi Quyết định 22/2017, nhiều công trình lấn chiếm đất hành lang từ người dân cho đến doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu tháo dỡ.
Việc xử lý mạnh tay của chính quyền được người dân ủng hộ vì hành lang đất 2 bên bờ sông, kênh rạch là nơi xây dựng các công trình kè, cống, bờ bao, đồng thời là không gian lý tưởng để làm công viên, quảng trường và các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng. 
 Nếu có kiến nghị xin cho dự án Thảo Điền Sapphire tồn tại tôi sẽ không chấp nhận. Luật là luật, không du di cho sai phạm.
Ông Nguyễn Thành Phong,
Chủ tịch UBND TPHCM
Tuy nhiên do công tác quản lý còn lỏng lẻo, chồng chéo, chưa thống nhất, nên hầu như ở đâu xuất hiện dự án BĐS ở đó người dân mất đi không gian sinh hoạt quý giá này. Đơn cử, tại dự án Đảo Kim Cương (quận 2), chủ đầu tư đã biến dải đất hành lang sông Sài Gòn và sông Giồng Ông Tố bao quanh dự án làm của riêng.
Người dân sống quanh khu vực cho biết ngoài cư dân của dự án, người dân không thể vào đi dạo dọc hành lang sông do bảo vệ không cho vào.
Hành lang sông, kênh rạch đang bị bức tử ảnh 1 Dự án Thảo Điền Sapphire xây vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn và rạch Ông Hóa. Ảnh: Minh Tuấn 
Theo các chuyên gia, nguồn tài nguyên đất ven sông, kênh rạch của TPHCM rất lớn, với hơn 1.000km. Hiện phần lớn quỹ đất này đang bị người dân, doanh nghiệp biến thành của riêng và trục lợi bất chính. Do đó chính quyền phải kiên quyết xử lý, không thể xử chỗ này bỏ chỗ kia, gây bức xúc trong dư luận.
“Tôi theo dõi báo chí và rất mừng khi TPHCM kiên quyết xử lý sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire. Tuy nhiên điều tôi băn khoăn là đã xuất hiện một số kiến nghị nhằm hợp thức hóa sai phạm và đi ngược quy định, chủ trương” - vị chuyên gia bày tỏ.

Xử lý nghiêm, không du di
Vừa rồi, UBND TP đã xử phạt chủ đầu tư CTCP TDS 1 tỷ đồng, yêu cầu tháo dỡ công trình sai phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với diện tích vi phạm lên đến gần 1.400m2 tại dự án Thảo Điền Sapphire (35-45 Nguyễn Văn Hưởng, quận 2).
Xung quanh vụ việc này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết sau khi nhận được văn bản của chủ đầu tư xin tự nguyện tháo dỡ khoảng 1 tuần, Sở Xây dựng tiếp tục nhận văn bản của chủ đầu tư gửi Văn phòng Chính phủ và UBND TPHCM xin xem xét cho công trình được tồn tại. Sở Xây dựng đã rà soát và trả lời chính thức không có cơ sở cho tồn tại. “Sở Xây dựng và UBND quận 2 đang giám sát chặt chẽ, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP. Nếu chủ đầu tư không thực hiện sẽ kiên quyết cưỡng chế, tháo dỡ phần diện tích sai phạm” - ông Tuấn nói. 
Về vấn đề này, theo tìm hiểu của ĐTTC, không chỉ xin cứu xét sai phạm của TDS, trong văn bản kiến nghị, sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai 2013 gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền gần đây, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ doanh nghiệp địa ốc đầu tư, kinh doanh, khai thác quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch.
Cơ sở của kiến nghị này, theo HoREA là UBND TP đã ban hành Quyết định 22/2017 ngày 18-4-2017 (thay thế Quyết định 150/2004 ngày 9-6-2004) về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TPHCM, đã quy định chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ: 50m đối với sông rạch cấp đặc biệt, cấp I, cấp II; 30m đối với sông rạch cấp III, cấp IV; 20m đối với sông rạch cấp V, cấp VI; từ 3-10m đối với các mương rạch nhỏ; và cho phép xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng, công trình tạm phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn...

Từ thực tiễn phát triển các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn, HoREA cho rằng các chủ đầu tư thường được giao ranh dự án đến ranh bảo vệ trên bờ. Có nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư chỉ xây tường bảo vệ trong ranh dự án, không chịu trách nhiệm đầu tư đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch ngoài ranh dự án được giao.
Điều này đã dẫn đến khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch không được đầu tư, không được kè bờ cứng để bảo vệ chống sạt lở, không xây dựng đường ven sông, lối đi bộ, công viên, các công trình dịch vụ phục vụ công cộng, nên không phát huy được nguồn lực rất lớn của quỹ đất này, và làm giảm giá trị cảnh quan đô thị.
Theo đó HoREA đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai quy định trong trường hợp chủ đầu tư được giao dự án mới, được giao ranh đất dự án đến mép cao bờ sông rạch, sẽ chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng kè bờ bảo vệ (kết hợp với chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan), đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, sử dụng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với các dự án cũ trước đây chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch cần có cơ chế, chính sách khuyến khích chủ đầu tư dự án đó, hoặc mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác kinh doanh để sử dụng hiệu quả quỹ đất ven sông rạch phục vụ công cộng, hoặc khai thác kinh doanh có thời hạn.

Các tin khác