Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp đồng bộ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ DN, người dân bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Đó là những nỗ lực lớn, rất đáng trân trọng.
Vấn đề là phải tổ chức thực hiện thật khẩn trương, hiệu quả các gói hỗ trợ này. DN đang rất khó khăn, nhanh 1 ngày DN sống, chậm 1 ngày có thể DN đã “băng hà”, khi đó Nhà nước có hà hơi tiếp sức cũng bằng không. Nếu “chống dịch như chống giặc”, việc giải cứu DN cũng phải khẩn trương như trong cuộc chiến để bảo vệ nền kinh tế, sinh kế của nhân dân.
Nếu hơn 50% DN không thể trụ lại được trong 5, 6 tháng tới và 80% DN khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp (theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam - VCCI), 5, 6 tháng tới là khoảng thời gian vàng để tiếp sức và giải cứu DN.
Tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn. Cộng đồng DN mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới để yểm trợ và làm bệ đỡ cho DN vượt qua đại dịch, chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.
Trong thời đại dịch, trọng tâm công tác của Chính phủ vẫn phải là thể chế, không vì những chỉ đạo thường ngày mà sao nhãng chức năng cốt lõi. Thế giới sẽ khác đi, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại. Chiến tranh, dịch bệnh, công nghệ sẽ biến đổi thế giới này.
Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, chúng ta có thể không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng những chỉ tiêu về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhất thiết phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đây là thời điểm thích hợp cho sự đồng thuận để vượt lên.
DN Việt Nam chủ yếu là DNNVV. 5 triệu hộ kinh doanh, xét về bản chất kinh tế cũng chính là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Làm sao nâng cao năng lực của DN đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong dịch Covid-19 và vươn lên thời hậu Covid, đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị.
Nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho DN lớn lên là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng DN ở tương lai.
Hậu Covid-19, xu hướng chuyển đổi số và robot hóa sẽ được đẩy mạnh hơn. Giao dịch trực tuyến và nền kinh tế online sẽ lên ngôi. Thị trường nội địa và mạng sản xuất nội bộ các nền kinh tế sẽ được xem trọng. Thương mại và đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều - luồng vốn đầu tư của các nền kinh tế phát triển có xu hướng quay lại về chính quốc.
Đầu tư quốc tế sẽ phi tập trung hơn để phân tán rủi ro. Tác động cộng hưởng của công nghệ, của chiến tranh thương mại và Covid-19… sẽ vẽ lên bức tranh kinh tế toàn cầu với nhiều sắc màu và hình khối mới. Hội nhập vẫn là xu hướng quan trọng, nhưng chắc chắn hội nhập sẽ được điều chỉnh lại với tinh thần không chỉ thúc đẩy tự do, còn cần hài hòa và công bằng hơn.
Thị trường là vấn đề sống còn của DN. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) chỉ là cơ hội, không phải là sự bảo đảm chắc chắn để DN Việt vươn ra thị trường thế giới. Muốn vậy phải coi việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nội địa là quan trọng.
Quy mô của một thị trường gần 100 triệu dân, với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tiến trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, tầng lớp trung lưu bùng nổ, chính là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của DN và nền kinh tế Việt Nam.
Dưới tác động cộng hưởng của công nghệ số, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, các dòng chảy thương mại và đầu tư trên thế giới sẽ đảo chiều. DN của các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang có xu hướng quay trở lại sân nhà. Đây chắc chắn sẽ là xu thế lớn của thời sau dịch bệnh.
Đặc biệt, khi DN khó khăn về thị trường tiêu thụ, việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hành động thiết thực hậu thuẫn cho DN Việt. Gói kích cầu lớn nhất chính là tình yêu nước, yêu DN Việt của người tiêu dùng Việt trong bối cảnh khó khăn này.
Theo tôi, từ nay đến cuối năm phát động những tháng cao điểm “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để thúc đẩy việc này. Một cuộc vận động như vậy sẽ là niềm tin và bệ đỡ vững chắc cho những nỗ lực đứng lên từ thị trường “trước ngõ, trong nhà mình” của cộng đồng DN Việt Nam. Chúng ta đang chiến thắng “Covid y tế”, hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ chiến thắng “Covid kinh tế”.
Để phối hợp thống nhất, hài hòa nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng DN, cần thành lập ngay ban chỉ đạo và tổ công tác tái khởi động nền kinh tế và phục hồi DN của Chính phủ do Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo.