Từ năm 2018, HDBank đã triển khai các giải pháp gia tăng nguồn lực thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh.
HDBank đặt trọng tâm định hướng phát triển này trong quá trình hoạt động, bám sát mục tiêu và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tiên phong "hành trình xanh”
Trong chiến lược chung của Chính phủ về phát triển bền vững, về chất lượng sống và môi trường và những vấn đề xã hội, ngành NH đóng vai trò quan trọng, cùng thực thi, cùng góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế một cách bền vững.
Hệ thống NH cũng như HDBank đã và đang thiết lập, tuân thủ những chuẩn mực ngày một chặt chẽ trong phát triển các sản phẩm và dịch vụ tới các lĩnh vực, các hoạt động kinh doanh và đầu tư có tác động đến môi trường và xã hội; chú trọng và thúc đẩy các nguồn lực đồng hành cùng chuyển đổi xanh, cho tăng trưởng xanh.
Đồng hành với “hành trình xanh” này, HDBank là một trong những NHTM tiên phong trong việc ban hành chính sách về cấp tín dụng xanh, bảo vệ môi trường và xã hội; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho cán bộ, nhân viên về thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng, cũng như tăng cường hoạt động tư vấn và đồng hành cùng khách hàng.
Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng giám đốc HDBank phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo đó, HDBank cam kết triển khai các giải pháp giảm thiểu phát thải carbon trong hoạt động NH, thông qua các hành động thiết thực, như tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát thải khí nhà kính đến cán bộ nhân viên và trong tham gia truyền thông với cộng đồng.
HDBank đã trở thành một trong những NHTM hàng đầu có thế mạnh trong thúc đẩy nguồn lực cho tín dụng xanh tại Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2022, HDBank đã giải ngân 11.000 tỷ đồng cho các dự án chuyển đổi xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bên cạnh việc tập trung nguồn vốn và phát triển các sản phẩm tài chính dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt với doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ.
Hiện HDBank tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện bộ chính sách tài chính xanh cho doanh nghiệp và cá nhân, bao gồm gói cho vay xanh và các dịch vụ liên quan. Để gia tăng nguồn lực cho chuyển đổi xanh, ngoài việc tận dụng sự hỗ trợ các tổ chức tài chính quốc tế, HDBank còn bám sát chủ trương của Chính phủ, NHNN trong thực thi cam kết theo Thỏa thuận Paris, cũng như COP26.
Về thị trường tín chỉ carbon, HDBank xác định tín chỉ carbon sẽ là hàng hóa đặc thù trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Vấn đề là cơ quan quản lý làm sao xây dựng được thị trường tín chỉ carbon theo hướng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
Riêng với HDBank, khi khung pháp lý đối với thị trường này hoàn chỉnh và việc vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 được thực hiện như định hướng của Chính phủ, NH sẽ nghiên cứu để có các giải pháp hỗ trợ người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia thị trường này.
Phát huy vai trò kênh tín dụng xanh
Với tín dụng xanh, những năm qua HDBank đã nhận được sự hậu thuẫn lớn về nguồn vốn cũng như tư vấn chuyên sâu từ các định chế tài chính quốc tế uy tín, như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Định chế Tài chính Phát triển thuộc NH Tái thiết KFW của Đức (DEG), Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp (Proparco), cùng các chương trình của NH Phát triển châu Á (ADB) và NH Thế giới (WB).
Quá trình hợp tác này không ngừng được mở rộng, cùng các hạn mức tài trợ liên quan được nâng cao đã khẳng định uy tín và vai trò của HDBank trên thị trường, cũng như trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững cho tương lai, trách nhiệm với cộng đồng.
HDBank cũng là một trong những NH tiên phong áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong hoạt động kinh doanh, về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của HDBank không ngừng nâng cao với chuỗi tăng trưởng liền mạch 10 năm qua; chuẩn mực Basel III đã được triển khai toàn diện.
Với năng lực tài chính mạnh, cùng nguồn lực hậu thuẫn từ các định chế tài chính lớn trên thế giới, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động, đến nay HDBank đã trở thành một trong những NHTM hàng đầu có thế mạnh trong thúc đẩy nguồn lực cho tín dụng xanh tại Việt Nam.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 HDBank đã định rõ, nông nghiệp và nông thôn là một trục trọng tâm của chiến lược phát triển. Những vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu… càng khẳng định đó là chiến lược đúng đắn.
Theo đó, HDBank đã chủ động xây dựng, phát triển các dịch vụ và sản phẩm NH phù hợp; cung ứng vốn cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, với các ngành nghề nông - lâm - ngư nghiệp đặc thù, với các chuỗi sản xuất và cung ứng...
NH cũng luôn phát huy vai trò kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN, đặc biệt là tài chính xanh. Qua đó góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh theo các giải pháp xanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Năm 2022 HDBank đã phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay người lao động với lãi suất thấp hơn thị trường, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, cùng chăm lo đời sống cho người yếu thế.
Trên cơ sở đó, HDBank vừa gia tăng hiệu quả kinh doanh, vừa góp phần cùng hệ thống NH hướng tới mục tiêu lớn, phát triển 1 triệu doanh nghiệp trong tương lai Chính phủ đã đề ra.
Thời gian tới, HDBank tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN trong thực thi chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; cũng như đồng hành chặt chẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp trong tập trung kết hợp các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm môi trường, xã hội và quản trị; gắn mục tiêu phát triển kinh doanh chung cùng trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Có thể nói, phát triển bền vững là nền tảng, cốt lõi cho những thành quả, những thành công bền vững trong tương lai của HDBank.