Hệ lụy chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa

Cuối cùng, những bất đồng giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đã khiến chính phủ Hoa Kỳ phải đóng cửa kể từ ngày 1-10. Liệu việc này có làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ và toàn cầu?

Cuối cùng, những bất đồng giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đã khiến chính phủ Hoa Kỳ phải đóng cửa kể từ ngày 1-10. Liệu việc này có làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ và toàn cầu?

Theo ước tính, diễn biến này sẽ khiến khoảng 800.000 công chức liên bang sẽ phải nghỉ việc không lương, các công viên quốc gia và các viện bảo tàng sẽ đóng cửa… Hãng nghiên cứu IHS ước tính việc đóng cửa chính phủ sẽ gây thiệt hại khoảng 300 triệu USD/ngày (chỉ bằng 1/52.000 GDP).

Trong khi đó, GS. George Fuller của Đại học George Mason nói chỉ tính riêng khu vực Washington DC đã thiệt hại 220 triệu USD/ngày. Theo Robert Pestnon - biên tập viên kinh tế của hãng BBC, việc đóng cửa chính phủ sẽ tác động đến nền kinh tế từ 3 lĩnh vực: tiêu dùng giảm do người lao động bị mất việc ngại chi tiêu; du lịch giảm do các công viên, bảo tàng bị đóng cửa; giao thông vận tải thiệt hại do tài xế không thể đổi bằng lái, người dân không thể đổi hộ chiếu…

Nếu việc đóng cửa chính phủ kéo dài một vài ngày, thiệt hại sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài vài tuần, thu nhập từ ngành du lịch có thể sụt giảm, và người tiêu dùng cùng các doanh nghiệp có thể ngần ngại trong việc chi tiêu.

Goldman Sachs ước tính GDP quý IV của Hoa Kỳ sẽ bị gọt bớt 0,9% nếu chính phủ đóng cửa 3 tuần. Nếu việc đóng cửa kéo theo việc liên bang không trả được nợ, là điều có thể xảy ra trong 1 tháng nữa nếu Quốc hội không có hành động, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thực sự bắt đầu lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Hyundai Motor cho biết sẽ “trả lương” thay chính phủ cho những công chức đang đi xe của hãng.

Hyundai Motor cho biết sẽ “trả lương” thay chính phủ cho những
công chức đang đi xe của hãng.

Họ có thể mất tin tưởng vào khả năng trả nợ của Hoa Kỳ, và châm ngòi cho việc các cơ quan cho vay nước ngoài tăng lãi suất. Tệ hơn nữa, các nhà đầu tư có thể không cảm thấy tin tưởng vào việc mua chứng khoán của Hoa Kỳ. Ngoài ra, bên cạnh nỗi lo ngân sách, còn một cơn bão tài chính khác đang ập tới, đó là việc chính quyền liên bang sẽ cạn sạch tiền nếu Quốc hội không thể nâng được trần nợ công (hiện ở mức 16.700 tỷ USD).

Điều đó có nghĩa chính phủ nước giàu nhất thế giới sẽ không thể trả được các hóa đơn, không trả được lãi suất trái phiếu đáo hạn, hay nói cách khác trái phiếu chính phủ sẽ vỡ nợ. Những điều đó quá khủng khiếp, đến nỗi đa số nhà quan sát tin rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ không thể để nó diễn ra.

Dù vậy, vẫn có những tin vui đối với người Hoa Kỳ trong những ngày này. Chẳng hạn, tất cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ đều tăng trong phiên đầu tiên sau khi chính phủ bị đóng cửa. Toàn bộ thị trường chứng khoán tăng 18% so với đầu năm. Giới quan sát cho rằng dường như cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến các vấn đề khác nhiều hơn, như khi nào Cục Dự trữ liên bang (FED) sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu…

Thêm một tin vui cho giới tiêu dùng Hoa Kỳ là hãng Hyundai Motor cho biết sẽ góp phần trợ cấp cho những người bị thất nghiệp vì đóng cửa chính phủ. Cụ thể, họ sẽ trợ cấp bằng khoản tiền lương được nhận từ chính phủ cho những ai đang sở hữu xe của Hyundai, cho đến khi nào họ đi làm lại. Ngoài ra, những công chức bị mất việc do chính phủ đóng cửa có cơ hội được bảo đảm thu nhập trong vòng 90 ngày nếu họ quyết định mua một chiếc Hyundai mới.

Cách nay 4 năm, Hyundai cũng từng có chương trình tương tự với tên gọi Chương trình Bảo hiểm Hyundai (HAP), trợ cấp tài chính cho những khách hàng bị mất việc vì khủng hoảng tài chính. Nhiều nhà phân tích cho biết HAP đã giúp Hyundai gia tăng lòng trung thành của khách hàng, và đẩy doanh số của hãng trong những năm gần đây.

Từ năm 1977, chính phủ Hoa Kỳ đã đóng cửa tổng cộng 17 lần. Lần kéo dài nhất là 21 ngày, từ ngày 16-12-1995 đến 5-1-1996. Lần đóng cửa đó ước tính gây thiệt hại 1,5 tỷ USD, tương đương 2,1 tỷ USD ngày nay.

Các tin khác