Doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Khaisilk, đã thú nhận sai lầm và cúi đầu nhận lỗi với khách hàng. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở một cái khăn lụa, mà là vấn đề đạo đức kinh doanh.
Từ cơ sở bán sản phẩm làm bằng lụa khiêm tốn trên phố Hàng Gai - Hà Nội, Khaisilk trở thành một tên tuổi được yêu chuộng của những người yêu cái đẹp. Khăn choàng và cravat gắn mác Khaisilk rất đắt hàng và rất đắt đỏ. Người sành điệu chọn Khaisilk chưa hẳn sản phẩm này đã có chất lượng quốc tế, mà chủ yếu muốn ủng hộ hàng Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Đáng tiếc Khaisilk đã đánh tráo nguồn gốc hàng hóa để qua mặt khách hàng một cách hồ đồ. Không ai biết Khaisilk đã lừa gạt người tiêu dùng bao lâu, nhưng khi trò láu cá bị phanh phui, niềm tin dành cho thương hiệu Khaisilk tổn thương nghiêm trọng.

Nhờ thành công với sản phẩm lụa, ông chủ Khaisilk lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác và thu được kết quả đáng kể. Hệ thống nhà hàng, bất động sản và chuỗi tiệm phở Ông Khải có thể xem như một sự nghiệp thành đạt của doanh nhân Hoàng Khải. Bẽ bàng thay, khi đã có trong tay hàng trăm tỷ đồng Khaisilk lại manh động sử dụng kiểu làm ăn khuất tất với những người vẫn hết lòng vun đắp cho một thương hiệu Việt.
Doanh nhân Hoàng Khải phân bua: “Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk. Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ, cũng nghĩ mình có thể đặt hàng mang tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk, mà không nêu rõ xuất xứ hàng hóa". Đó là lời ngụy biện rất khó thuyết phục đám đông.
Mỗi năm hàng trăm ngàn sản phẩm lụa của Khaisilk được bán ra. Vậy nguồn nguyên liệu chủ lực của Khaisilk nằm ở đâu? Nếu Khaisilk đặt hàng nghiêm túc không phải những làng nghề như Vạn Phúc - Hà Đông hoặc Nha Xá - Nam Định đã phát triển rực rỡ sao? Hiện nay, không phải không có những công ty uy tín có đủ năng lực để cung cấp lụa cho quy trình thiết kế mẫu mã và lưu thông hàng hóa của Khaisilk. Thế nhưng, oái oăm thay, Khaisilk lại nhập sản phẩm trôi nổi bên ngoài biên giới rồi dán nhãn “made in Vietnam” để ngang nhiên móc túi khách hàng.
Trường hợp “hồn Trung Hoa da Khaisilk” là một bài học cảnh tỉnh cho thị trường may mặc nước ta. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh để giám sát và chấn chỉnh các loại kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó” để bảo vệ thương hiệu Việt.