Hậu quả có 2 người thiệt mạng vì cây đổ khi đang lưu thông trên đường, hàng chục phương tiện bị cây đè hư hỏng nặng. Rất nhiều tuyến phố vừa xanh mướt hôm nào nay ngổn ngang, trơ trọi đến xót xa.
Dù bão mạnh, nhưng số lượng cây gãy đổ quá lớn và gây nguy hiểm cho cộng đồng vẫn là một câu hỏi vô cùng nhức nhối được đặt ra.
Hình ảnh nhiều gốc cây lớn bị bật gốc, đổ lộ ra bộ rễ trọc lóc, thậm chí còn nguyên cả dây buộc và ni lông bọc đất đã cho thấy một thực trạng trồng cây theo kiểu “ăn xổi” tại đô thị: cây ở tuổi trưởng thành (đường kính trên 20cm) được bứng về từ rừng, từ các vườn ươm lâu năm để gấp gáp làm "xanh hóa" các tuyến phố.
Với bộ rễ bị cắt gọn, những loại cây này đương nhiên không kịp trụ vững để chống chọi với những cơn gió dữ. Đó là chưa kể, nhiều tuyến phố được bê tông hóa với nhiều công trình ngầm khiến cây cối không có nhiều đất để “sâu rễ, bền gốc”. Vì thế, chuyện cây bị bật gốc là điều khó tránh khỏi.
Một điều dễ nhận thấy nữa là, những cây bị bật gốc, gãy cành trong bão vừa qua phần lớn là những cây rễ cạn, ăn ngang, cành giòn như: muồng, bằng lăng, phượng... Điều này cho thấy việc chọn lựa giống cây trồng trong đô thị dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc quản lý cây xanh, công viên đô thị tại Việt Nam được thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị. Sau hơn 13 năm đi vào cuộc sống, nghị định này đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế trong thực tiễn quản lý.
Hiện việc quy hoạch, quản lý cây xanh đô thị đều do UBND các tỉnh, thành phố thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương đều chưa có danh sách chính thức các loại cây được trồng và không được trồng, dẫn đến lúng túng trong việc kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trong trồng cây đô thị.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị. Tuy nhiên, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương mới chỉ tập trung vào làm rõ về các quy định quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị; huy động nguồn lực để phát triển cây xanh.
Các nội dung cụ thể hơn về điều chỉnh thời gian, điều kiện chặt, hạ, dịch chuyển cây xanh; tiêu chí phân loại cụ thể đối với các loại cây xanh theo kích thước, tuổi đời; danh mục cây xanh được trồng trong đô thị... chưa thực sự được quan tâm.
Cùng với sự phát triển của các đô thị, việc phát triển, quản lý cây xanh trong thời gian tới vẫn là một yêu cầu bức thiết. Vì vậy, Bộ Xây dựng, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác trồng, quản lý cây xanh đô thị.
Các cơ quan quản lý cần tham khảo tiêu chí của các quốc gia, nghiên cứu kỹ để đưa ra các giống cây, quy cách trồng, quy trình chăm sóc, cắt tỉa phù hợp, có tính toán đến điều kiện biến đổi khí hậu.
Cùng với đó là làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể có hoạt động liên quan đến quản lý phát triển cây xanh, cũng như các chế tài xử lý vi phạm. Trồng cây xanh để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị nhưng yếu tố an toàn cho người dân vẫn cần đặt lên hàng đầu.