TCTD tập trung xây dựng
Mới đây, Công ty công nghệ so sánh sản phẩm tài chính GoBear và CredoLab, đã hợp tác phát triển ứng dụng di động Easy Apply, cho phép các NH và CTTC tiếp cận hiệu quả hơn đến nhóm khách hàng mới. Ứng dụng được phát triển dựa trên các thuật toán trí tuệ nhân tạo độc quyền của CredoLab, có khả năng phân tích hàng chục ngàn điểm dữ liệu trên điện thoại thông minh của người dùng, và biến những thông tin này thành điểm tín dụng cá nhân để họ đăng ký mở thẻ tín dụng, vay tín chấp, hoặc tham gia các sản phẩm bảo hiểm.
Một yếu tố quan trọng đóng góp nên thành công của việc chấm điểm tín dụng cá nhân là tất cả các giao dịch đều qua tài khoản để nắm bắt được tình hình thu nhập và chi tiêu của khách hàng. Do đó, việc thúc đẩy người dân mở tài khoản NH, sử dụng dịch vụ NH, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là điều cần làm để xây dựng một hệ thống chấm điểm tín dụng. TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Việc sử dụng dữ liệu phi truyền thống từ thiết bị di động thông minh để đánh giá điểm tín dụng cá nhân, sẽ cho phép tất cả người dùng, bao gồm những người chưa có tài khoản NH hoặc chưa có lịch sử tín dụng cá nhân, có thể đăng ký sử dụng sản phẩm tài chính như thẻ tín dụng, vay tín chấp và các sản phẩm cơ bản khác dễ dàng hơn.
Ứng dụng di động Easy Apply sẽ được tích hợp trực tiếp vào trải nghiệm của người dùng GoBear. Trải nghiệm này bắt đầu với tính năng Easy Choices của GoBear, giúp người dùng nhận biết những sản phẩm tài chính nào phù hợp nhất với hồ sơ của mình, trước khi cài đặt ứng dụng di động Easy Apply vào điện thoại thông minh, để tính toán điểm tín dụng cá nhân và tiến hành đăng ký sản phẩm.
Easy Apply sẽ được áp dụng trước tiên cho sản phẩm thẻ tín dụng, sau đó mở rộng sang sản phẩm vay tín chấp, bảo hiểm và các sản phẩm tài chính khác trong tương lai gần.
Trước đó hồi tháng 5, Công ty TNHH MTV Đầu tư và công nghệ Fibo, cũng cho ra mắt hệ thống chấm điểm tín dụng CreditScore. Hệ thống này đánh giá điểm tín dụng dựa trên các yếu tố như điểm cá nhân (giới tính, độ tuổi, tình trạng gia đình, địa phương sinh sống, làm việc), điểm thu nhập (nghề nghiệp, sở thích, các hội, câu lạc bộ đã tham gia, đối tượng bạn bè), điểm xã hội (tình trạng công việc, mức lương, tài sản), điểm hành vi thu nhập (mua sắm gì, ở đâu, bao nhiêu), điểm hành vi tài chính (lịch sử tín dụng và trả nợ). Ứng dụng này phục vụ cho các TCTD, thương mại điện tử, P2P Lending để đánh giá được tiềm năng tín dụng của khách hàng, người vay.
Gần đây, các NHTM cũng tự xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng khách hàng với các tiêu chí tương tự. Chẳng hạn VPBank đã thiết lập phương thức chấm điểm khách hàng dựa trên kết quả xây dựng từ nhiều mô hình kinh tế. Mô hình này được xây dựng từ việc xử lý hệ thống dữ liệu khổng lồ và tương đối phức tạp (big data). TPBank hợp tác với nhà bán lẻ Nice (Hàn Quốc), tích hợp các bộ đếm thẻ với các tệp dữ liệu đã được tổng hợp đa chiều để xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.
Mới đi vào hoạt động, nhưng CTTC Easy Credit cũng đã ứng dụng công nghệ ngay từ giai đoạn thu thập thông tin khách hàng bằng cách đa dạng hóa thông tin khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau, tối ưu hóa hệ thống tính điểm hành vi, để việc thẩm định hồ sơ vay được thực hiện một cách tự động xuyên suốt.
Cần một hệ thống hoàn thiện
Cần một hệ thống hoàn thiện
Hiện nay, đầu mối tổ chức hệ thống thông tin tín dụng là Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), chuyên thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin tín dụng cho NHNN, TCTD và các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật. Năm 2017, CIC đã cung cấp cho các TCTD, CTTC khoảng 18 triệu bản báo cáo thông tin tín dụng các loại, tăng trưởng trên 30% so với năm 2016, trong đó thông tin khách hàng cá nhân chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, nguồn thông tin này vẫn chưa hỗ trợ hết nhu cầu của thị trường.
Một đại diện NHTMCP cho biết, hàng năm, NH có trách nhiệm cung cấp báo cáo tài chính cho CIC nhưng cũng khó lấy được thông tin từ đơn vị này. Hơn nữa, những thông tin do đơn vị này cung cấp cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các TCTD, dẫn đến việc các TCTD chưa đủ có cơ sở để đưa ra các quyết định mở tài khoản hoặc cho vay trực tuyến.
Trong khi ở các nước phát triển, một người muốn mở tài khoản hoặc vay vốn chỉ cần điền đủ thông tin, cung cấp hóa đơn từ một công ty cung cấp điện, chứng từ đóng thuế, viễn thông… để kiểm tra chéo. Tất cả thực hiện trực tuyến. Sau khi thông tin được kiểm tra, NH sẽ thông báo chấp nhận mở tài khoản hoặc khoản vay hay không. Còn tại Việt Nam, muốn mở một tài khoản hoặc vay vốn, khách hàng phải mất khoảng 1 giờ để làm giấy tờ, đăng ký thông tin và chờ xét duyệt.
Chính vì vậy, các NHTM, CTTC và fintech liên tục xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng để tự phục vụ trong nội bộ, giúp quá trình quyết định cho vay đưa ra nhanh hơn. Tuy nhiên, về vĩ mô, các TCTD vẫn cần có một hệ thống chấm điểm tín dụng hoàn thiện, dùng chung với hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ phục vụ nhu cầu tín dụng như các nước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cho biết, Hoa Kỳ đang có 3 công ty chấm điểm tín dụng. Ban đầu, mỗi khách hàng được chấm 800 điểm. Sau đó, dựa trên một tiêu chí đặt ra, khách hàng nào không đạt được tiêu chí đó như có nợ xấu, công việc không ổn định, có vi phạm… sẽ trừ điểm. Tất cả các NH cho vay đều gửi thông tin cho các công ty này để tổng hợp thông tin. Việt Nam cần một mô hình như vậy để các NH đánh giá rủi ro của khách hàng trước khi quyết định cung cấp các sản phẩm tài chính.
Song tại Việt Nam, muốn xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng hoàn thiện, đòi hỏi phải có thêm nhiều yếu tố khác. Ở Hoa Kỳ, mỗi người dân được cấp số an sinh xã hội, trong đó lưu trữ các thông tin đi học, làm việc trong công ty, mở tài khoản NH… Các NH Việt Nam cho vay ra, CIC cũng thu thập thông tin vay nhưng lại thiếu công cụ tiện ích như ở Hoa Kỳ, nên rất khó tập trung thông tin tín dụng của một cá nhân.