Được biết, hiện tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đang xây dựng hệ thống cổng thông tin, với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, trong đó có phần mềm quản lý công việc, phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý nhân sự và đặc biệt phần mềm bộ chỉ số… nhằm giám sát thực hiện.
Đây là phần mềm thử nghiệm với sự hỗ trợ của một số các đơn vị uy tín, để làm sao thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là ứng dụng những thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý DN, từng bước tham gia thúc đẩy sự phát triển của DN.
Theo dự thảo nghị định mới nhất, có 18 tập đoàn, tổng công ty dự kiến sẽ được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Vì thế với số lượng DN quy mô vốn tương đối lớn, số lượng DN con, cháu cũng không nhỏ, nếu quản lý theo phương cách cũ trong thời gian dài chưa chắc đã nắm được. Số lượng DN về ủy ban sẽ được chia làm 4 nhóm và sẽ có bộ chỉ số chung, riêng cho từng nhóm DN.
Với mục tiêu kết nối, giám sát và theo dõi trực tiếp hoạt động của các DN, ủy ban sẽ nắm được tất cả tình hình của DN. Thí dụ như hoạt động của DN, nhân sự, việc tăng giảm giá trị vốn nhà nước, tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, đóng góp ngân sách, năng suất lao động, tiền lương…
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cán bộ biệt phái sang ủy ban, cho biết một trong hai nhiệm vụ chính của ủy ban là quản lý việc sử dụng vốn nhà nước tại DN một cách hiệu quả, làm sao bảo toàn được vốn đầu tư.
Cách tiếp cận vấn đề là dựa trên mô hình công nghệ thông tin; cơ sơ dữ liệu trực tuyến với bộ chỉ số phần mềm giám sát DN, nhằm phân tích và cảnh báo về hoạt động của DN; giám sát, quản lý DN thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ làm sao để vốn Nhà nước tại DN có hiệu quả cao nhất. Phần mềm có tác dụng quản lý danh mục các DN thuộc ủy ban (số DN, lao động, công ty con cần tái cơ cấu…); các hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trung bình của tất cả các DN đang ở mức bao nhiêu, lợi nhuận trước thuế tăng hay giảm, nộp ngân sách của DN ra sao…
Đây là những số liệu tổng thể, nhìn vào đó ủy ban có thể thấy tổng số vốn của Nhà nước đang được giao cho ủy ban biến động ra sao, người đại diện vốn nhà nước đang là ai, số vốn nhà nước được giao... Theo các chuyên gia, nếu thực hiện theo mô hình quản lý DNNN mới, cơ quan quản lý sẽ nắm được tình hình cụ thể hoạt động, theo dõi, cảnh báo… Từ đó giúp quản lý DN sát sao hơn, bắt buộc DN phải báo cáo, có sự cải thiện trong hoạt động và có biện pháp khi DN chạm vào ngưỡng mất an toàn.