Đây là tin vui cho người dân Củ Chi, nhưng nếu không định vị mô hình nào cho TP Củ Chi ngay từ đầu thì đây sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho cò đất, nhà đầu tư nhỏ lẻ và những ai đang tìm kiếm kênh đầu tư vào bất động sản.
8-10 năm khó thành
Nhiều người băn khoăn về cú “nhảy vọt” bỏ qua hình thái quá độ từ huyện lên quận liệu có thành công vào năm 2030 như nhiều vị lãnh đạo tuyên bố? Bởi nói cho cùng TP chỉ là tên gọi, vấn đề quan trọng là thực chất nó ra sao, hình hài của nó như thế nào và trong điều kiện nào có thể hiện thực hóa vào trong đời sống. Thực tế đã cho thấy, trên đất Củ Chi có vài dự án lớn được Chính phủ phê duyệt từ hàng chục năm trước nhưng không thành công, trong đó phải kể đến 2 dự án lớn và vô số đề xuất của các chủ đầu tư có tiếng tăm.
Năm 1998, tức cách nay chừng 25 năm, đề án xây dựng đô thị vệ tinh ở Tây Bắc Củ Chi (có một phần của Hóc Môn) với diện tích hơn 6.000ha cho hơn 300.000 dân (sau này điều chỉnh còn 4.500ha, dân số nâng lên 600.000 người), cho đến nay vẫn chưa ra đời và cũng chưa biết đến bao giờ. Một dự án khác là Thảo Cầm Viên Sài Gòn (còn có tên là Safari Củ Chi) quyết định xây dựng năm 2004 có diện tích 457ha, với kỳ vọng trở thành vườn bách thảo và muông thú quý hiếm lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài ra còn có những ý tưởng rất “khủng” của các nhà đầu tư cho vùng đất này. Gần đây nhất vào năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất xây dựng một đại lộ và cùng với nó là dải đô thị dài 64km từ quận 1 lên Củ Chi, kinh phí ban đầu 2,5 tỷ USD và đã được lãnh đạo TPHCM quan tâm đến. Nhưng đến nay tất cả vẫn còn là ý tưởng đề xuất.
Việc hiện thực hóa các đề án đã được phê duyệt hàng chục năm chưa được, nên việc đưa Củ Chi tiến thẳng lên TP hiện đại tương đương với đô thị loại 2 (dân số hiện tại 450.000, dự kiến tăng lên 800.000 đến 1 triệu dân trên diện tích khoảng 450km2) chỉ trong 8-10 năm nữa quả thật không hề dễ. Bởi ngoài đòi hỏi cần có nguồn tài chính cực lớn, còn phải vượt qua được những thách thức lớn về cơ chế, chính sách vốn đã tồn tại từ rất lâu. Kinh nghiệm cho thấy đưa một vùng đất như Củ Chi lên “Cu Chi city” phải mất ít nhất 20-30 năm.
Phải định vị mô hình và quy hoạch bài bản
Câu hỏi đầu tiên là mô hình nào cho TP Củ Chi? Củ Chi sẽ trở thành TP công nghiệp chăng? Hiện nay Củ Chi có 7 khu công nghiệp (KCN), chiếm 1/3 số KCN của TPHCM, đứng đầu TP về số lượng. Nếu Củ Chi là TP công nghiệp, các hệ quả phát sinh sau đó nhất là về mặt xã hội sẽ rất nặng nề. Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho rằng Củ Chi sẽ trở thành đô thị sinh thái, cùng với công nghiệp sẽ chú trọng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đó là nhận thức đúng, bởi lẽ TP bây giờ rất đa dạng không chỉ là công nghiệp mà còn nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, với các tên gọi như “TP làng”, “TP xanh”, “TP nghỉ dưỡng”.
Theo đó, Củ Chi dù có trở thành TP vẫn nên duy trì nông nghiệp nhưng là nông nghiệp công nghệ cao, không thâm dụng đất. Củ Chi hoàn toàn trở thành điểm du lịch hấp dẫn với những nhà vườn xanh mát kiểu Nam bộ trái cây trĩu quả, những home stay mang đậm tính chất làng quê, các làng nghề truyền thống như bánh tráng, đan lát, ẩm thực đặc sản nổi tiếng như bò tơ, mắm chua, những nhóm đờn ca tài tử, những di tích chiến tranh, những khu vui chơi như Safari, rừng sinh thái… tất cả kết hợp lại làm Củ Chi trở nên cực kỳ hấp dẫn.
Nhưng để có được TP Củ Chi đặc sắc và khác biệt còn quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thách thức phải vượt qua, mà lớn nhất là giao thông. Dù giao thông Củ Chi hiện nay đã tốt hơn 10 năm trước, nhưng trục đường chiến lược Xuyên Á đi từ trung tâm TPHCM đến Củ Chi chỉ 35km phải mất gần 2 giờ đồng hồ do thường xuyên kẹt xe vì đường hẹp, dân cư buôn bán và các công trình ở sát mặt đường, điểm nghẽn thường trực là ở KCN Tân Bình.
Thách thức nữa là sự tồn tại của KCN Tân Phú Trung ra đời năm 2003, được coi là nơi tập trung các ngành nghề gây ô nhiễm và thải ra lượng rác công nghiệp rất lớn từ các cơ sở sản xuất giấy, bông, nhôm, cao su, nhựa, nhuộm, dược phẩm. KCN rộng 550ha này lại nằm sát Quốc lộ 22, ở ngay trung tâm của khu đô thị vệ tinh Tây Bắc và tới đây sẽ là TP Củ Chi. Thêm vào nữa là bãi rác Phước Hiệp nằm trên địa phận Củ Chi, giáp ranh với Long An. 4 năm trước bãi rác này bị ngưng tiếp nhận nhưng nay cho hoạt động trở lại và phương thức duy nhất vẫn là chôn lấp, gây ô nhiễm trầm trọng cho người dân Củ Chi và Đức Hòa Long An.
Ngoài việc khắc phục những điểm yếu, cũng ghi nhận Củ Chi có nhiều ưu thế vượt trội làm tiền đề cho ra đời TP sinh thái. Đó là quỹ đất còn tương đối dồi dào, nền đất cứng, bình độ cao, dân thưa. Hơn thế nữa, các dự án trọng điểm nếu triển khai thành công sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo, tạo ra những cú hích mới. Trong đó phải kể đến trục đường cao tốc nối từ TPHCM lên 2 cửa khẩu của Tây Ninh, là TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Sa Mát đi qua Củ Chi. Cao tốc này nhằm thực hiện chủ trương liên thông đường bộ ASEAN từ TPHCM qua Campuchia, Lào và Thái Lan.
Hay như đường Vành đai 3 được khép kín sẽ giúp Củ Chi kết nối dễ dàng với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, dải đô thị miền Trung, các tỉnh Tây nguyên, ĐBSCL, để từ đó hình thành nên các bến cảng, kho bãi. Tiếp đó là các dự án Thảo cầm viên Safari, dải đô thị ven sông Sài Gòn từ quận 1 đến Củ Chi. Đặc biệt, Củ Chi có lợi thế tiếp giáp với những vùng đang phát triển sôi động của Long An và Bình Dương.
Hình thành một TP mới là quá trình tích lũy rất lâu dài. Vì thế, ngay từ bây giờ Củ Chi cần thực hiện công việc nghiên cứu chuyên sâu, quy hoạch thật bài bản, lộ trình rõ ràng nhằm hướng đến một TP đáng sống. Mọi sự cẩu thả, duy ý chí, nóng vội đều đưa đến hậu quả khôn lường, mà người gánh chịu tổn thất nhiều nhất chính là người dân chân chất, còn người hưởng lợi là các đầu nậu và đại gia.