Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) chính thức bắt đầu vào đầu năm 2021, khi các quốc gia thành viên tham gia thành lập một thị trường chung bao gồm cả lĩnh vực thương mại và lĩnh vực đầu tư với tổng ngân sách quốc nội (GDP) là 3.400 tỷ USD.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương, AfCFTA được ra đời nhằm loại bỏ thuế quan đối với 90% thương mại hàng hóa nội bộ châu Phi.
Cùng đó, giảm các hàng rào phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ, phát triển sự công nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển vốn và con người giữa các quốc gia. Ngoài ra, AfCFTA được cấu trúc theo từng giai đoạn, khiến Hiệp định có thể tiến hóa theo thời gian.
Cụ thể, nhiều cuộc đàm phán khác đã được lên kế hoạch trong các lĩnh vực như chính sách cạnh tranh, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. AfCFTA được xây dựng dựa trên các Hiệp định và nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này rất quan trọng vì có tới 11 thành viên của Liên minh châu Phi chưa phải là thành viên WTO.
Theo Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA), sau khi được triển khai đầy đủ, AfCFTA có tiềm năng tăng thương mại nội khối lên 52,3% so với thời điểm trước khi ký kết Hiệp định.
Thông tin trên website chính thức của AfCFTA cho thấy tính tới tháng Ba vừa qua, 54 trong số 55 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi đã ký kết AfCFTA (Eritrea chưa tham gia ký kết).
Đặc biệt, đến tháng Tư vừa qua, 46 trong số 54 bên ký kết (81,5%) đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định và nộp lưu chiểu. Do vậy, châu Phi kỳ vọng nhờ tác động tích cực của AfCFTA, 30 triệu người sẽ có cơ hội thoát khỏi mức nghèo cùng cực. Bên cạnh đó, thu nhập trước năm 2035 được trông đợi sẽ tăng 7% so với hiện tại, tương đương 450 tỷ USD.
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết trong vòng hơn một thập kỷ qua, trao đổi thương mại Việt Nam-châu Phi đã tăng hơn gấp đôi, từ mức mới chỉ đạt 2,52 tỷ USD năm 2010 lên mức 5,5 tỷ USD năm 2022.
Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến châu Phi đạt 2,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi đạt 2,6 tỷ USD, xuất siêu đạt giá trị 226,3 triệu USD.
Các nhóm hàng xuất khẩu chính bao gồm gạo đạt 568,6 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 355,6 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 210,4 triệu USD; giày dép các loại đạt 141,8 triệu USD; càphê đạt 131 triệu USD; hàng dệt, may đạt 129 triệu USD; thủy sản đạt 60,3 triệu USD…
Các nhóm hàng nhập khẩu chính bao gồm hạt điều đạt 1,1 tỷ USD; kim loại thường khác đạt 484,1 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 114,3 triệu USD; hàng rau quả đạt 64,1 triệu USD; bông các loại đạt 54,2 triệu USD…
Đại diện Bộ Công Thương bày tỏ nhìn chung, dư địa xuất khẩu sang châu Phi còn rất lớn bởi Việt Nam mới chiếm 0,6% thị phần nhập khẩu 600 tỷ USD của châu Phi mỗi năm. Hơn nữa, với sự ra đời của AfCFTA, giao thương của Việt Nam với khu vực thị trường châu Phi có thể được hưởng nhiều cơ hội mới.
Đơn cử, hàng hóa xuất khẩu có thể vươn tới những thị trường mới. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho hàng hóa di chuyển giữa các quốc gia nội khối, chắc chắn trong thời gian tới các quốc gia châu Phi sẽ phải tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc và năng lượng-đường xá, bến cảng, sân bay, viễn thông, năng lượng điện…
Các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi được tài trợ bởi các khoản vay của Trung Quốc và tài trợ của Hoa Kỳ trong hơn một thập kỷ qua sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo đó, khả năng hàng hóa nhập khẩu thâm nhập vào những khu vực sâu trong đất liền sẽ thuận lợi hơn, đặc biệt là vào 15 quốc gia châu Phi không giáp biển.
Điều này mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam tiếp cận với nhiều thị trường hơn, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại châu Phi cho tới nay vẫn là những quốc gia có nền kinh tế lớn, có cảng biển thuận lợi cho việc giao thương như Nam Phi, Ai Cập và Nigieria.
Ngoài ra, chi phí nhập khẩu nguyên liệu, nông sản từ châu Phi có thể được cắt giảm: như trình bày tại phần trên, Việt Nam hiện chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng nông sản, nguyên liệu thô từ châu Phi để sản xuất, tạo thêm giá trị gia tăng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AU)
Việc các cường quốc hàng đầu thế giới đã, đang lấy kinh tế làm “mũi nhọn” trong triển khai chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Phi, đặc biệt từ khi khu vực này tuyên bố sự ra đời của AfCFTA, mở ra cho lục địa này cơ hội hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn.
Cụ thể, để bảo vệ các mối quan hệ chiến lược và kinh tế của mình ở châu Phi, dự báo trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ hỗ trợ châu Phi phát triển các chuỗi giá trị, giúp các doanh nghiệp châu Phi có được chỗ đứng riêng tại thị trường Trung Quốc.
Do vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có thể hưởng lợi từ mối quan hệ này, trong đó có việc chi phí nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi thông qua Trung Quốc có cơ hội được cắt giảm.
Bên cạnh đó, cơ hội nâng cao kim ngạch xuất khẩu thông qua đàm phán các thỏa thuận thương mại với toàn châu lục. Một xu hướng có triển vọng sẽ diễn ra trong thời gian tới, đó là các quốc gia trên thế giới sẽ nghiên cứu, đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với toàn bộ khối mậu dịch tự do lục địa châu Phi.
Việc này sẽ giúp các quốc gia tiết kiệm thời gian đàm phán với từng quốc gia hoặc khu vực nhỏ lẻ (châu Phi hiện có 55 quốc gia chia thành 8 khu vực kinh tế). Trên thực tế, các quốc gia châu Phi có cơ cấu sản xuất khá tương đồng, chủ yếu là các sản phẩm sơ cấp như dầu thô, nông sản thô, khoáng sản, kim loại quý…
Bởi vậy, ngay cả khi AfCFTA có hiệu lực trên toàn khu vực, châu lục này vẫn chưa thể đảm bảo nguồn cung với nhiều mặt hàng tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị) và các mặt hàng quan trọng trong đời sống như: gạo, hàng dệt may, da giày, hàng thủy sản chế biến và vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước ngoại khối.
Trong khi đó, các mặt hàng như gạo, càphê, dệt may, da giày, thủy sản lại là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Chẳng hạn như Việt Nam hiện là một trong 8 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, song giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này sang châu Phi còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 129 triệu USD trong năm 2022, một phần do các rào cản thuế quan và sự cạnh tranh của các nước đã có FTA với một số quốc gia trong khu vực.
Vì thế, nếu Việt Nam hoặc ASEAN tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại với toàn khu vực AfCFTA, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu hàng dệt may, da giày vào châu Phi, phát huy những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp hơn so với nhiều nước châu Á, kỹ thuật may tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao.